Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2008

Những kỷ lục đáng sợ!

Như mọi năm, vừa qua Kiểm toán Nhà nước lại công bố kết quả kiểm tra việc thu chi ngân sách tại nhiều bộ ngành, tỉnh thành và đơn vị quốc doanh. Sự kinh ngạc, nỗi lo lắng về những vi phạm trong chi tiêu công không cũ đi. Thậm chí số lượng, mức độ, hình thức... và tính "lờn thuốc" dường như vẫn tương quan cùng... tốc độ đầu tư!

>> Bội chi ngân sách: 5% hay 6,6%?
>> Phải dừng xây dựng trụ sở
>> Phải làm rõ trách nhiệm của Chính phủ
>> Bao giờ hết “hoang phí ngân khố quốc gia”?
>> Nghĩ và chọn cách làm khác
>> Chống thất thoát ngân sách từ gốc
>> Ngân sách không phải cái túi từ thiện

Đối xử với đồng tiền của Nhà nước, của mỗi người dân gom góp tạo thành, nhưng nhiều cá nhân, đơn vị đã có những thái độ thật đáng sợ. Thái độ đó đã thành thói quen và tạo nên những chuyện lạ khó tin, thậm chí có cả những kỷ lục.

Một đoạn đường quốc lộ đầu tư hàng chục tỷ đồng, huy động hàng vạn công lao động và phải trải qua nhiều cơ quan để lập, duyệt dự án. Đến khi tiếng vỗ tay hoàn công chưa dứt thì người ta lại huy động một nguồn lực lớn hơn thế để... phá càng nhanh càng tốt. Đó là một đoạn gần 1km trong dự án đường Hồ Chí Minh đã làm... nhầm vào hành lang lưới điện 500 KV. Rồi dự án hồ nước xây xong mới ngã ngửa người là không có đường đưa nước vào (Ninh Thuận). Nhà máy xử lý nước thải cắt băng khánh thành rầm rộ rồi để đó chờ khi nào "ai" cho điện thì chạy (khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì (Hà Nội). Nhiều dự án, bỏ tiền tỉ nghiên cứu đến khi gần xong mới thấy... không cần thiết nên đã bỏ đi! Đó là là dự án tháp truyền hình VN với 3,88 tỷ đồng, Trung tâm sản xuất chương trình tại Bình Dương: 160 triệu đồng.

Thật khó tin khi có dự án phải điều chỉnh thiết kế chi tiết đến 212 lần. Đó là dự án Đầu tư tu bổ nâng cấp Nhà hát lớn Hà Nội. Hay dự án Kho lưu trữ Đội Cấn khi xin thì nói 21 tỉ đồng, khi xây rồi mới kêu thiếu 75 tỉ đồng nữa.

"Người làm" gian dối, cẩu thả đã đáng trách nhưng đáng trách hơn là "người" giám sát. Trách nhiệm này thuộc các bộ ngành, địa phương. Mỗi năm cả nước có hàng vạn dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước và dự án nào cũng buộc phải có khâu giám sát đầu tư. Thế nhưng Kiểm toán Nhà nước thống kê: năm 2006 chỉ có 51,4% các dự án có giám sát. Tỉnh Đắk Nông chỉ có 30/102 dự án thực hiện công tác này. Bộ NN-PTNT cũng chỉ có 70/178 dự án có báo cáo giám sát đầu tư. Số dự án có giám sát thì không ít là mang tính thủ tục, cắt đầu cắt đuôi, thiếu đề xuất, bỏ kiến nghị…

Những cơ quan giám sát là đại diện cho "ông chủ”. Kiểm toán Nhà nước thay mặt "ông chủ” nhân dân, kiểm tra, giám sát lại những bên A, bên B, những "ông chủ” bộ, ngành, tỉnh thành nhưng cũng chỉ có thể dừng ở "kiến nghị”. Hiệu lực của những kiến nghị ấy, năm nay cũng được công bố là thụt lùi so với năm trước. Thậm chí trong các dự án đầu tư xây dựng, khu vực ngốn nhiều ngân sách nhất, chỉ có 52,8% kiến nghị của Kiểm toán được tuân thủ. Và cũng không có thống kê nào về truy cứu trách nhiệm các cá nhân, đơn vị đã xâm phạm hàng ngàn tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Những kiểu tiêu tiền lãng phí như thế này tích tụ từ năm này qua năm khác chính là mầm mống gây nên lạm phát nghiêm trọng hiện nay nhưng không rõ địa chỉ trách nhiệm thuộc về ai!

QUANG THIỆN (Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét