Với sự tan rã của khối CS Đông Âu và sự sụp đổ của bức tường Berlin, Chiến tranh Lạnh dường như đã chấm dứt và nhân loại vui mầng đón đợi một trật tự thế giới mới trong đó các quốc gia sẽ sống với nhau trong hoà bình. Nhưng rồi những diễn biến xảy ra từ đó cho đến nay và, nhất là mới đây, cuộc xung đột Nga-Georgia đã làm cho niềm hy vọng đó tiêu tan dần. Mối tranh chấp giữ hai siêu cường Nga-Mỹ, sau một thời gian hoà dịu ngắn ngủi, bắt đầu bùng phát trở lại, trước đây ở Bosnia, Kosovo, và nay ở Georgia.
Như tin đã loan, hôm qua Quốc hội và Chính phủ Nga đã công khai thừa nhận sự độc lập của South Ossetia và Abkhazia, là hai vùng tự trị trước đây thuộc về Georgia. Mỹ và nhiều nước Âu Châu khác; nhất là các thành viên khối NATO đã phản đối và lên án mạnh mẽ sự thừa nhận chính thức của chính phủ Nga đối với hai lãnh thổ vừa nêu.
Một sự việc tương tự như vậy về việc thừa nhận sự độc lập của một lãnh thổ nhỏ khác đã xảy ra chỉ trước đây vài tháng ; đó là sự thừa nhận sự độc lập của Kosovo- một vùng trước kia thuộc về Liên bang Nam Tư của đa số người Serbian thân Nga- do Mỹ và các nước Âu Châu chính thức đưa ra. Nga đã phản đối mạnh mẽ sự thừa nhận đó.
Thừa nhận sự độc lập của một quốc gia là việc thực hiện nguyên tắc TỰ QUYẾT (self-determination) của các dân tộc; một nguyên tắc được đề cao trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Vậy tại sao việc thừa nhận Kosovo của Mỹ và NATO gặp phải sự phản đối của Nga và của Serbia; ngược lại sự thừa nhận của Nga đối với South Ossestia và Abkhzia lại bị Mỹ và NATO quyết liệt từ chối ? Có lẽ chỉ vì nguyên tắc dân tộc tự quyết đã bị các cường quốc lợi dụng như một chiêu bài vào việc tranh giành quyền lực của giữa họ với nhau. Chính trị quốc tế không có gì cao xa trừu tượng và khó hiểu; chỉ đơn giản là một sự đấu tranh quyền lực liên tục giữa các quốc gia; một cuộc tranh đấu mất còn trong đó sức mạnh là nền tảng để trên đó các nguyên tắc đạo lý, cuối cùng, sẽ được kẻ thắng thế giành lấy và giải thích theo cách có lợi cho mình.
NATO là một liên minh quân sự được lập ra vào năm 1949 với 10 hội viên do Mỹ lãnh đạo nhằm mục đích đối phó với khối quân sự VARSOVIE do Liên Xô đứng đầu. Trên nguyên tắc NATO là một liên minh để “ bảo vệ tự do, di sản văn hoá và văn minh chung của các dân tộc trong khối, xây dựng trên nguyên tắc của chế độ dân chủ, tự do cá nhân và pháp trị “ (to safeguard the freedom, common heritage and civilization of their peoples, founded on the principle of democracy, individual liberty, and the rule of law[i]
Thực tế, sự hiện hữu của NATO nhằm vào một mục đích đơn giản nặng tính chất địa lý chính trị hơn, như lời của Tổng Thư Ký đầu tiên của NATO, ông Lord Ismay, đã nói một cách trắng trợn : “ Để giữ người Mỹ ở lại,, đẩy người Nga ra ngoài, và ghìm người Đức xuống “ (To keep the Americans in, the Russians out, and the Germans down)[ii].
Sự hiện hữu của NATO, như vậy, về thực chất là phương tiện của Mỹ trong sự kế tục chính sách đã có trước đó của Đế quốc Anh đối với Âu châu trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, theo đó Anh Quốc nổ lực duy trì một sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia trên lục địa Âu Châu để không một nước nào, nhất là Nga và Đức, có thể trở nên quá mạnh, thống trị Châu Âu, và tranh giành địa vị bá chủ thế giới đối với mình. Anh Quốc luôn nổ lực để đặt Âu Châu dưới sự trọng tài và khống chế của mình. Phải thừa nhận rằng đế quốc Anh, với sự phối hợp tuyệt vời giữa sức mạnh của một hạm đội hùng mạnh nhất thế giới vào thời đó và nghệ thuật ngoại giao bậc thầy,đã rất thành công trong chính sách vừa nói, đặt Châu Âu dưới sự kiềm tỏa của họ trong một thời gian khá dài. Chính Anh quốc đã dùng chiến tranh Nga-Nhật để làm suy yếu Nga, sau đó khơi ngòi đệ nhất thế chiến để dìm Đức xuống. [iii]
Vì vậy, tuy Chiến tranh Lạnh kết thúc, khối Varsovie tan rã, khối NATO đã không hề giải tán, trái lại còn mở rộng ra hơn trước, tăng lên 26 quốc gia thành viên, bao gồm cả Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgary, Lithuania, Estonia và đang chuẩn bị nhận Ukraine và Georgia. Nghiã là thu tóm luôn cả những nước trước kia thuộc khối Varsovie, đồng minh lâu đời và là láng gìềng của Nga. Khối NATO, như vậy, đã bành trướng và mở rộng mục đích của mình.
Một trong những phương cách hữu hiệu để khối NATO mở rộng ảnh hưởng của mình và làm suy yếu Nga là gây bất ổn và khuyến khích sự ly khai ở các quốc gia nhỏ lân cận với Nga; Nam Tư là một ví du. Nam Tư một nước láng giềng thân cận của Nga, trước kia do đa số người Serbian lãnh đạo, sau Chiến tranh Lạnh đã bị xé ra từng mảnh nhỏ : Bosnia, Croatia, và Serbia. Bosnia lại bị nội chiến giữa người Serbs và người Albanians, tạo cơ hội cho NATO, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, can thiệp. Cuối cùng, Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Bosnia trưóc sự phản đối tuyệt vọng của người Serbia.
Trong khi đó nước Nga, sau sự sụp đổ của Liên Xô, đã bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng. Sự phân ly giữa các nước Cộng hòa củ, giữa các lãnh thổ tự trị có các sắc dân khác nhau. Hối lộ tham những tràn lan, tội phạm kiểu Mafia lan rộng. Tình trạng kinh tế còn tệ hại hơn cả hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) gỉảm mất ½; vốn đầu tư sụt mất đến 80%; đa số dân Nga rơi vào cảnh nghèo; tử suất gia tăng. Lợi dụng tình trạng hổn độn và sự tư nhân hoá vội vàng của nền kinh tế, một thiểu số (oligarchs) tích luỹ tài sản, trở nên giàu có, thu tóm trong tay những nguồn vốn khổng lồ, câu kết với các ngân hàng ngọai quốc và với các tổ chức tài chánh quốc tế để tẩu tán tài sản ra ngoài hoặc bán rẽ tài nguyên quốc gia để thu lợi riêng.[iv]
Mặt khác, các tổ chức quốc tế như IMF (Quỷ tiền tệ quốc tế) và World Bank đã cố vấn một số chính sách kinh tế, tài chánh không phù hợp cho hoàn cảnh kinh tế của Nga, càng làm cho tình hình đó trở nên tồi tệ. Những “ bài thuốc” căn bản thường được IMF và World Bank kê toa cho các nước là điều chỉnh cấu trúc kinh tế (Structural Adjustment Programs), phá gía đồng bạc (Currency de-evaluation), cắt giảm chi tiêu công ích (Public spending cut), tư doanh hoá kinh tế (Privatization of economy), v.v…
Những “bài thuốc” này khi áp dụng vào nước Nga hậu-chiến-tranh-lạnh đã làm cho căn bệnh của nước này, không những không thuyên giảm, mà còn trở nên trầm trọng hơn. Việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế đã làm cho hàng triệu công nhân viên chức của chế độ trước đột ngột bị mất việc. Việc phá giá đồng bạc gây ra lạm phát làm điêu đứng đa số dân nghèo, và tạo cơ hội cho tư bản ngọai quốc thu mua nguyên vật liệu quốc gia với giá rẻ, gây thất thu lớn cho công quỷ. Nguồn tài nguyên lớn lao và quan trọng của Nga là dầu hỏa và khí đốt đã bị các cống ty dầu phương Tây tận lực khai thác trong giai đoạn này, thu về những món lợi tức khổng lồ; các công ty này đã tìm cách móc nối với các tay tài phiệt đang lên của Nga, qua mặt chính phủ, ký kết những hợp đồng kinh tế hết sức bất lợi cho quyền lợi nước Nga, nhưng mang lại món lợi khổng lồ cho họ. Chính trong thời kỳ này mà Boris Yeltsin đã được giới truyền thông Mỹ hết lời tán tụng.
Tận dụng sự khủng hoảng mọi mặt trên đây của nước Nga, khối NATO đã mở rộng vùng ảnh hưởng của mình, xâm nhập dần dần vào những vùng nằm chung quanh,từ lâu vốn không những chịu ảnh hưởng của Nga, nhưng còn là vùng đệm an ninh cho nước Nga đối với các cường quốc lân cận. Mỹ đã tuyên bố rằng vùng Caucasus, một vùng cách xa lục địa châu Mỹ đến hàng mấy ngàn miles, nhưng lại sát nách Nga, là vùng lợi ích quốc gia (American sphere of national interest) của mình. Ngày trước khoảng cách an toàn giữa NATO và Nga là hơn 1,200 miles, đến nay chỉ còn chừng hơn 60 miles!
Sự dồn ép đó của Mỹ và NATO lại đánh thức tinh thần dân tộc của người Nga, họ cảm thấy nền an ninh của họ bị đe doạ nghiêm trọng. Vì vậy, Boris Yeltsin phải nhường chỗ cho Vladimir Putin. Trước năm 1998, ít ai biết đến viên cựu sĩ quan tình báo KGB tên Putin. Năm 1998, Putin được cử chỉ huy Lực lượng An ninh Liên bang Nga; một hậu thân của KGB. 1999, Putin được Yeltsin chọn làm thủ tướng và cuối năm, khi Yeltsin từ chức, Putin trở thành Tổng Thống Nga.
Trưóc đó, trong thập niên 1990 Putin vừa làm vừa theo học tại Viện Hầm mỏ St. Peterburg, nơi từng là lò đào tạo các viên chức chính quyền ưu tú, hoàn thành luận án tiến sĩ có nhan đề “ Tài nguyên thiên nhiên trong chiến lược phát triển kinh tế Nga” (Mineral Raw Material in the Strategy for Development of the Russian Economy). Trong luận án đó, trái với quan điểm của nhiều kinh tế gia vẫn tin rằng sự tư hữu hoá và giảm thiểu sự kiểm soát của chính quyền giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, Putin cho rằng, ít nhất trong lãnh vực tài nguyên thiên nhiên, việc sỡ hữu và giám sát của chính quyền là cần thiết trong việc phát triển kinh tế, ngăn ngừă việc khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên của nước Nga bởi các nhà đầu tư ngoại quốc hoặc bởi các lợi ích tư nhân ích kỷ.[v]
Cũng trong luận án đó, Putin quan niệm rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ bảo đảm sự phát triển kính tế mà còn là yếu tố quyết định cho vị trí của nước Nga trên trường quốc tế. Tài nguyên thiên nhiên, theo Putin, trở thành yếu tố chiến lược (strategic factor), và tuy vẫn thừa nhận sự quan trọng của khu vực tư nhân, của đầu tư và kỹ thuật ngoại quốc, Putin chủ trương rằng lợi ích tư nhân phải phục tùng sự hướng dẩn của chính quyền và phục vụ lợi ích chung của toàn dân Nga.
Thực hiện quan điểm trên đây, khi lên làm tổng thống, đối tượng đầu tiên của Putin là Mikhail Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga và là Tổng giám đốc (CEO) Yukos, một công ty sản xuất dầu hỏa hàng đầu của Nga vào lúc đó. Khodorkovsky bị cáo buộc tội trốn thuế và gian lận, bị kết án 9 năm tù. Công ty Yukos bị quốc hữu hoá, các chi nhánh lần lượt nằm trong tay kiểm soát của chính phủ Nga. Khodorkovsky, cũng giống Putin, là ngôi sao mới lên từ sau thời mở cửa (glasnost) và cải cách (perestroika) của Gorbachev. Mới 26 tuổi đã thành lập một ngân hàng tư đầu tiên. Sau đó phất lên rất nhanh khi nhảy vào lãnh vực dầu hoả, đang dự trù mời Exxon và Chevron hùn vốn khai thác dầu hoả ở Siberia thì bị bắt.
Kế đến Putin nhắm vào công ty khí đốt lớn nhất của nước Nga, công ty Gazprom; sỡ hữu đến 16% khí đốt thiên nhiên của thế giới, cung cấp ¼ thuế lợi tức của Liên bang Nga. Từ 1993, Gazprom đã được tư hữu hoá một phần, chính phủ Nga chỉ còn giữ được chừng 39% cổ phần và có thành viên trong chủ tịch đoàn của công ty. Putin đã đưa người cộng sự thân tín là Dmitry Medvedev (nay là tổng thống Nga) vào Gazprom để tìm cách mua thêm cổ phần của công ty cho chính phủ Nga. Kết quả, chính phủ Nga đã sỡ hữu đa số cổ phần và nắm toàn quyền kiểm soát Gazrpom. Sau đó, Putin đã sử dụng các thủ tục pháp lý để loại dần ảnh hưởng của các tổ hợp (consortium) dầu hoả ngoại quốc như Shell, Exxon, BP ra khỏi các công trình dầu hỏa lớn của nước Nga, vô hiệu hoá các hợp đồng rất có lợi mà các tổ hợp này đã ký với chính phủ của Boris Yeltsin trước kia, xong rồi đưa Gazprom vào thay thế. Điển hình nhất là dự án khai thác dầu và khí đốt ở đảo Sakhaline nằm giữa Nga và Nhật Bản. Trữ lượng dầu và khí đốt ở đảo này ước tính tổng cộng chừng gần 30 tỉ thùng, một trữ lượng khá lớn. Trước kia tổ hợp Shell, BP, Exxon Mobil đã ký được với Boris Yeltsin những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu dollars để khai thác Sakhaline theo quy chế Production Sharing Agreements (PSA). Đến nay, Gazprom của Putin đã thay thế các tổ hợp dầu đó trong việc khai thác Sakhaline.
Tóm lại, Putin từ ngày cầm quyền đã thực thi những quan điểm của Ông trong luận án tiến sĩ về vai trò của tài nguyên thiên trong việc phát triển kinh tế và phục hồi địa vị nước Nga trên trường quốc tế. Putin đã tận dụng ưu thế về dầu hỏa và khí đốt để ổn định kinh tế, thoát ra khỏi cái shock therapy về kinh tế mà Tây Phương, đứng đầu là Mỹ, đã khuyến nghị cho nước Nga trong thập niên đầu sau Chiến tranh Lạnh. Cùng với kinh tế ổn định, nước Nga, bắt đầu lấy lại được vị thế cường quốc của mình và phản công chống lại sự bành trướng của NATO. Georgia là chính là trận mở màn của Putin.
Tất nhiên Tây Phương không ưa gì Putin, nhất là của các giới chức trong chính phủ Mỹ. Báo chí Mỹ luôn có những nhận định tiêu cực về ông ta, gọi Ông là “ thug” (du côn), “ fascist” và “ Saddam Hussein”,v.v… và hô hào lật đổ Ông (regime change). Quan hệ giữa Tổng Thống Bush và Putin, sau thời kỳ đầm ấm của những năm sau 9/11 khi Mỹ còn cần Nga trong việc chống khủng bố và vấn đề Apghanistan, khi Bush còn nhìn vào mắt Putin và tìm thấy ở đó sự thẳng thắn và tin cậy (I looked the man in the eyes. I found him very straightforward and trustworthy (tuyên bố của Bush sau lần đầu hội đàm với Putin)), đã càng ngày càng trở nên thù địch.
Mặt khác,việc mở rộng khối NATO ra các nước cộng hoà sô viết cũ và có biên giới chung với Nga, việc đơn phương rút lui khỏi Hiệp ước Chống Hoả tiễn Đạn đạo (Anti-Ballistic Missile Treaty) đã ký trước đó và năm 1972, việc thiết lập hệ thống Phòng vệ Phi đạn (Missle Defense Systems) ở Tiệp Khắc, Ba Lan, ngay cửa ngỏ của Nga, việc hô hào đưa khả năng nguyên tử của Mỹ lên ngôi bá chủ (attain nuclear primary) và khả năng tiêu diệt kho vũ khí nguyên tử tầm xa của Nga-Hoa ngay với cú đánh đầu tiên (ability to destroy the long-range nuclear arsenals of Russia or China with a first strike), tất cả đã gây sự nghi kỵ ở người Nga về thái độ của Mỹ đối với nền an ninh của họ. Những thăm dò mới đây cho thấy chỉ còn 5% người Nga nghĩ rằng người Mỹ có thể là bạn của họ. Sự nghi ngờ này tạo ra tình hình căng thằng rất đáng ngại trong mối quan hệ giữa hai siêu cường đang nắm giữ trong tay hai kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới.
Việc Mỹ-Ba lan ký kết hiệp ước thiết lập hệ thống chống phi đạn (Missle defense systems) càng làm cho Nga nghi ngờ hơn. Tuy rằng Mỹ đã khẳng định nhiều lần rằng hệ thống đó chỉ dùng để chống các phi đạn của Iran, bảo vệ cho các quốc gia trong vùng, chứ không nhằm chống lại Nga. Nhưng Nga lại cho rằng bằng việc thiết lập hệ thống đó ở Ba Lan, Mỹ đã cố ý vô hiệu hoá khả năng phản công của Nga để đạt được 99% hiệu năng ưu thế của cú đánh phủ đầu một khi xung đột Nga-Mỹ xảy ra. Để đối phó, Nga đã cho tăng cường hệ thống hoả tiến nguyên tử chiến thuật và oanh tạc cơ chiến lưọc ở Belarus và vùng cực Tây của Nga. Mới đây, Tướng Victor Yesin, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng của Lực lượng Phi đạn Chiến lưọc Nga đã tuyên bố rằng : “ Một chương trình có thể được thực hiện để chế tạo các hoả tiễn đạn đạo quỷ đạo có khà năng bay đến Mỹ vòng qua Nam cực bỏ qua các căn cứ phòng không của Mỹ.” (A program could be implemented to create orbital ballistic missiles capable of reaching US territory via the South Pole, skirting US air defense bases)[vi]. Nga cũng đã hăm doạ sẽ có biện pháp quân sự với Ba Lan.
Tình hình căng thẳng trên đây gợi nhớ lại Vụ Khủng hoảng Phi đạn Cuba năm 1962 trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, khi Khrushchev của Liên Xô lén đưa khoảng 45 hoả tiễn tầm trung mang đầu đạn nguyên tử vào Cuba, chỉ cách Mỹ 90 miles. Lần đó Thế giới đã sống suốt 14 ngày trong hãi hùng của một sự cân bằng khủng khiếp (balance of terror), chỉ cần một tính toán nhầm lẩn của một trong hai nhà lãnh đạo của hai siêu cường là nhân loại cùng toàn bộ nền văn minh đã có thể rơi vào vực thẳm của sụ diệt vong!
Việc đưa hoả tiễn nguyên tử của Khrushchev là nổ lực của Liên Xô nhằm đối phó lại với việc chính phủ Mỹ trước đó đặt 15 hoả tiễn tầm trung Jupiters mang đầu đạn nguyên tử ở Thổ Nhỉ Kỳ chỉ cách Moscow 16 phút bay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong vụ Khủng hoảng Cuba nói ở trên là ông Robert Mc Namara, về sau này có viết một bài báo nhan đề Apocalypse Soon (Tận thế sớm), trong đó Ông bày tỏ mối lo ngại về tình trạng chạy đua vũ trang ngày nay giữa các cường quốc.
Theo Mc Namara thì hiện Mỹ có chừng 4,500 đầu đạn nguyên tử tấn công chiến lược (strategic offensive nuclear warheads), Nga có chừng 3,800; Anh, Pháp, Trung quốc mỗi nước có chừng từ 200 đến 400; Ấn Độ và Pakistan mỗi nước có gần 100. Mỗi đầu đạn có sức huỷ diệt tương đương với hơn 20 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima năm 1945 (quả bom này nổ đã giết ngay lập tức gần 100,000 người !). Mỹ có khoảng 2000 đầu đạn luôn đặt trong tình trạng sẳn sàng để được phóng đi trong vòng 15 phút! Dưới thời Tổng Thống Kennedy, quá trình dẩn đến quyết định ra lệnh khai hoả vũ khí nguyên tử được Mc Namara mô tả như sau:
Vị Tư lệnh Không quân Chiến lược (US Strategic Air Command) luôn mang theo trong ngưòi, suốt ngày đêm, một điện thoại đặc biệt nối với một bộ chỉ huy nằm sâu dưới đất ở Colorado và với Tổng Thống. Bên cạnh Tổng Thống Mỹ luôn có sẳn mật mã khai hỏa nguyên tử được đặt trong một xách tay, mang mật danh Football, do một sĩ quan tuỳ viên mang. Vị Tư lệnh phải trả lời điện thoại đặc biệt đó trưóc tiếng reo thứ 3. Nếu vị Tư lệnh được báo là có tấn công nguyên tử, ông ta chỉ được cho 3 phút để xét xem báo động đó là thật hay giả, có thêm 10 phút để xác định vị trí xuất phát cuộc tấn công và quyết định những gì cần cố vấn cho Tổng Thống, và chờ đợi Tổng Thống tham khảo với Cố vấn An Ninh Quốc gia, Bộ Trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Tham mưu Liên quân. Tổng Thống, nếu quyết định trả đủa, sẽ ra lệnh trở lại cho vị Tư lệnh để thi hành, vị tư lệnh sẽ truyền lệnh cùng với mật mã lại cho các dàn phóng để khai hỏa. Theo Mc Namara thì Tổng thống Mỹ, trong tình huống khẩn cấp như vậy, chỉ có 20 phút cho quyết định khai hỏa hệ thống phi đạn nguyên tử![vii]
Những gì Mc Namara mô tả ở trên thật kinh khủng. Nhưng những gì đang xảy ra trong thời gian qua làm cho nhiều người lo ngại rằng không chừng Georgia chính là điểm nóng đầu tiên của một cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21 với một mức độ khủng khiếp còn cao hơn trước bội phần.
(sưu tầm)
[i] Preamble to the North Atlantic Treaty of 1949.
[ii] http://www.brookings.edu/fp/projects/nato/reportch1.pdf.
[iii] William Engdahl, A Century of War, Pluto Press 1992.
[iv] www.thenation.com/doc/20060710.
[v] Michael T. Klare, Rising Powers Shrinking Planet, Metropolitan Book 2008.
[vi] http://globalresearch.ca/index.php?context=va&aid=9836.
[vii] http://www.foreignpolicy.com/story/cms.php?story_id=2829&page=1.