Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt
Ông Võ Văn Kiệt là một trong các 'kiến trúc sư' của tiến trình Đổi mới
Nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một trong các nhà lãnh đạo hàng đầu thời kỳ đổi mới, vừa từ trần ở tuổi 85.

Được tin ông Võ Văn Kiệt qua đời lúc sáng sớm thứ Tư 11/6 tại Singapore, nơi ông đang chữa bệnh.

Ông Kiệt từng giữ các chức vụ quan trọng như chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng chính phủ. Ông cũng là ủy viên bộ Chính trị trong suốt sáu khóa liền.

Ông Võ Văn Kiệt là người đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Thậm chí ông từng được mệnh danh 'kiến trúc sư' của tiến trình đổi mới.

Là một trong các nhân vật lãnh đạo miền Nam, cả sau khi về hưu, ông Kiệt vẫn có ảnh hưởng lớn.

Trong những năm gần đây, ông được biết tới như một nhà phản biện với tiếng nói có sức nặng và uy tín không thể chối cãi.

Phản biện xã hội

Sinh ngày 23/11/1922 trogn một gia đình nông dân tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long), ông Võ Văn Kiệt bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938.

Ông gia nhập đảng Cộng sản một năm sau đó.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cuộc chiến Việt Nam, ông Kiệt hoạt động chủ yếu tại địa bàn Nam Bộ với bí danh Sáu Dân.

Sau 1975, ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Ông Võ Văn Kiệt làm ủy viên Bộ Chính trị từ 1982-1997. Ông rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ĐCS tại đại hội IV năm 1997 nhưng giữ vai trò cố vấn cho Ban Chấp hành tới năm 2001.

Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt

Từ 2001 tới nay, ông Võ Văn Kiệt đã góp tiếng nói có uy tín trong nhiều chính sách có liên quan tới xã hội - dân sinh.

Ông là cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp - hòa giải dân tộc.

Trong một phỏng vấn hiếm hoi với BBC, ông Kiệt nói:

"Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".

Ông cũng kêu gọi đối thoại với những người bất đồng chính kiến.

Lần cuối cùng ông Võ Văn Kiệt lên tiếng trên công luận là để nêu quan ngại về hai dự án: mở rộng Hà Nội và xây dựng tòa nhà Quốc hội.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét