Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP đăng đăng ý kiến của các thầy Nguyễn Cảnh Hòe, Phạm Huy Thông (khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), phản ánh đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Vật lý không phân ban của Bộ GD&ĐT có sự nhầm lẫn .
Cụ thể, câu số 29, mã đề 128: “Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc truyền sóng và bước sóng; đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là:...”, đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra là B (biên độ sóng).
Nhưng theo hai thầy giáo trên, đáp án đúng phải là C (tần số sóng).
Sau khi xem xét lại, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đáp án đúng là C (tần số sóng).
Cụ thể là vào ngày 4.6, qua văn bản số 536/KTKĐCLGD do ông Trần Văn Kiên (Phó cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng kiêm Phó chủ tịch Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2008) ký, phương án đúng được sửa thành "Tần số sóng" (tức là đổi thành phương án C, theo mã đề 128). Tại văn bản nêu trên, việc sửa đáp án được hướng dẫn khá chi tiết đến các hội đồng chấm thi với yêu cầu tiến hành việc chấm thi bình thường, vì "chỉ cần đổi đáp án trong file dapan.dbf thì đáp án của các mã đề tương ứng sẽ được thay đổi theo". Tưởng rằng mọi việc sẽ không có gì phải bàn thêm sau khi Ban ra đề thi đã dũng cảm thừa nhận sai sót của mình. Thế nhưng, đáp án mới được sửa lại vẫn chưa thuyết phục được thí sinh và cả các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy môn Vật lý lớp 12.
Dưới đây là ý kiến của các giáo viên dạy Vật lý ở các trường THPT và ĐH, CĐ
Ông Thái Bảo Thuận, tổ trưởng tổ Vật lý trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Sau khi Bộ GD-ĐT đổi đáp án, nhiều học sinh chọn phương án B ở trường chúng tôi đã rất thắc mắc. Là một giáo viên dạy nhiều năm nhưng chính tôi cũng đành chịu, không giải thích cặn kẽ cho học sinh được!". Chúng tôi hỏi lại: "Vì sao thầy không giải thích được?", ông Thuận nói ngay: "Không có cơ sở nào trong nội dung học tập, trong sách giáo khoa (SGK), kể cả chọn "Biên độ sóng" hay 3 phương án còn lại cũng không có cơ sở nào để lựa chọn cả".
Câu 29 (Mã đề 129) đề thi Vật lý (không phân ban) Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc truyền sóng và bước sóng; đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là: A. Vận tốc truyền sóng - B. Biên độ sóng - C. Tần số sóng - D. Bước sóng |
Ông Nguyễn Đức Hiệp, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) phân tích thêm: "Sự điều chỉnh đáp án đúng từ Biên độ sóng (B) sang Tần số sóng (C) lại tiếp tục gây nhiều lo lắng từ phía các thí sinh đã chọn phương án B". Theo ông Hiệp, do cách dùng từ "không phụ thuộc" trong phần dẫn ở câu hỏi đã gây cho học sinh hiểu theo các cách khác nhau: đáp án "Biên độ sóng" hoặc "Tần số sóng" đều đúng! Mặt khác, trong SGK Vật lý 12 (chương trình phân ban và không phân ban), không hề có biểu thức nào nói lên sự phụ thuộc của biên độ vào vận tốc truyền sóng, bước sóng hoặc tần số cả. Vì vậy, nếu HS học kỹ theo SGK, việc chọn phương án "Biên độ sóng " hoặc cả "Vận tốc truyền sóng" như phương án A đều phù hợp với nội dung của SGK.
Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy nhiều năm, những người bám sát chỉ đạo nội dung của Bộ GD-ĐT khi thực hiện chương trình cũng đồng tình nguyên nhân từ chính câu hỏi. Chính cụm từ "không phụ thuộc" trong câu hỏi đã làm cho thí sinh cho rằng có nhiều phương án khác nhau để chọn lựa, nếu thay nhóm từ "không phụ thuộc" thành nhóm từ "không liên hệ" thì đáp án đúng mới là "Biên độ sóng".
Để cho các thí sinh bám sát SGK khỏi bị thiệt thòi khi học theo SGK, là điều mà Bộ GD-ĐT thường nhắc nhở, lẽ ra Ban ra đề thi không nên điều chỉnh đáp án như vừa qua, mà cân nhắc để công nhận thêm các phương án khác thì hợp lý hơn. Việc điều chỉnh đáp án mà không hề giải thích gì thêm đã không thể thuyết phục được cho cả người học lẫn người dạy, vì việc đúng - sai ở đây không phải chỉ có giá trị trong một bài thi. Giáo viên và học sinh thường dùng các nội dung trong các đề thi (đặc biệt là các đề thi của Bộ) để làm tài liệu tham khảo chuẩn, hệ quả của nó sẽ kéo dài trong nhiều kỳ thi sau, nên Bộ GD-ĐT cần có sự giải thích rõ ràng và điều chỉnh hợp lý hơn.
“Biên độ” và “Tần số” đều hợp lý
Việc Bộ GD - ĐT thay đổi ngay đáp án là khá vội vàng. Đây là vấn đề khoa học, cần được cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
1- Trong cuốn MODERN TECHNICAL PHYSICS - Sixth edition của tác giả ARTHUR BEISER (cuốn sách kinh điển nổi tiếng về vật lý trên thế giới), trang 364 có bài tập như sau (xin đăng nguyên văn):
Of the following properties of a wave, the one that is independent of the others is its
a. amplitude
b. speed
c. wavelength
d. frequency
Answers: a
Tạm dịch:
Trong số các đại lượng sau của quá trình truyền sóng, đại lượng nào độc lập với các đại lượng còn lại
a. biên độ
b. tốc độ (truyền sóng)
c. bước sóng
d. tần số
Trả lời: a - biên độ
Biên độ (chứ không phải
tần số) là một đáp án đúng.
Tại sao vậy?
Trong quá trình truyền âm, tốc độ âm không hoàn toàn độc lập với tần số. Ở tần số cao (hoặc áp suất thấp), tốc độ âm phụ thuộc tần số. Sự phụ thuộc của tốc độ vào tần số gọi là sự điều phối tốc độ. Vì vậy, trong các sách tham khảo kỹ thuật, khi đưa ra số liệu về tốc độ truyền âm, người ta thường chú thích thêm dải tần số.
Do đó, đáp án ban đầu (biên độ) mà ban đề thi của Bộ đưa ra là đúng. Vì vậy ban đề thi có thể đưa ra phương án sau:
- Đáp án chính thức của câu này là “biên độ”.
- Tuy nhiên, do chương trình lớp 12 chưa nghiên cứu đến sự phụ thuộc của vận tốc vào tần số, trong các bảng ghi vận tốc của âm thanh trong các môi trường khác nhau ở SGK không có chú thích tần số, do đó, phương án “tần số” cũng là một phương án hợp lý, phù hợp với trình độ yêu cầu kiến thức của học sinh lớp 12.
Vì vậy, Bộ nên chấp nhận hai phương án đúng của câu này là tần số và biên độ để tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Tiến sĩ Lê Cao Phan
(Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt)
Điều chỉnh là không công bằng
Đối với những bài kiểm tra tại trường, những câu hỏi trắc nghiệm (loại chỉ trả lời 1 phương án đúng) mà phương án trả lời không được xác định rõ ràng thì chúng tôi thường giải quyết bằng cách cho tất cả học sinh được hưởng đủ điểm của câu này. Ở trường hợp câu 29 (mã đề 128) cũng có nhiều phương án đúng, tôi đề nghị cho tất cả thí sinh đều được hưởng điểm của câu này. (Bà Quyền Thị Kim Yến - Tổ trưởng tổ Vật lý, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) |
1. Điều chỉnh như vậy, về mặt kiến thức là không ổn:
- Trong bốn đại lượng: Biên độ (A), tần số (f), vận tốc (v)
và bước sóng (l) thì không chỉ
có một đại lượng (đối với Bộ GD - ĐT trước là biên độ, sau điều chỉnh là tần số) mà có ba đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng khác, đó là biên độ, tần số, và vận tốc.
- Bước sóng là đại lượng được định nghĩa (xây dựng) từ hai đại lượng vận tốc và chu kỳ. Bước sóng l là quãng đường sóng truyền trong thời gian bằng chu kỳ (T) - có biểu thức:
l = v . T
T = 1 Þ l = v
f f
Từ đó suy ra bước sóng l là một đại lượng phụ thuộc vào vận tốc và chu kỳ (T) (cũng tức là tần số), còn điều ngược lại là không có.
- Tần số, vận tốc không phụ thuộc vào các đại lượng khác nhưng tần số và vận tốc lại có quan hệ logic toán với bước sóng thể hiện ở biểu thức l = v
f
- Biên độ dao động không những không phụ thuộc vào các đại lượng khác mà còn không có quan hệ gì về logic toán với các đại lượng ấy (không có hệ thức liên hệ nào giữa biên độ với tần số, vận tốc và bước sóng).
- Nêu ra như trên, để thấy rằng với hiểu biết của học sinh trong phạm vi chương trình thì việc điều chỉnh đáp án là không hợp lý hơn so với cứ giữ nguyên như đáp án trước đây.
2. Điều chỉnh như vậy sẽ tạo nên một sự không công bằng đối với những thí sinh chọn cả ba đại lượng, hai trong ba đại lượng hoặc một trong ba đại lượng và trước tiên là đối với những thí sinh chọn đáp án lúc đầu của Bộ.
Nguyễn Anh Thi
(Cựu GV trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai)
Nên chấp nhận cả 3 lựa chọn
Theo nội dung SGK Vật lý 12 (không phân ban) thì cả 3 lựa chọn A, B và C đều đúng, vì:
- Vận tốc truyền sóng âm trong chất khí chỉ phụ thuộc vào độ đàn hồi, khối lượng mol, khối lượng riêng, nhiệt độ,... của khí.
- Biên độ sóng chỉ phụ thuộc vào chủ quan của người (hay thiết bị) gây ra dao động.
- Tần số sóng: cũng tương tự như biên độ sóng.
Như vậy, học sinh chọn 1 trong 3 phương án A, B hoặc C đều phải chấp nhận là đúng.
Tôi không nghĩ những người ra đề không biết lựa chọn nào là đúng, nhưng nếu thú nhận như thế thì lại sai về nguyên tắc ra đề (chỉ có 1 lựa chọn đúng, chứ không phải là trắc nghiệm đa tuyển). Tôi nghĩ, Bộ nên thừa nhận câu đó là không đúng và phải chấp nhận cả 3 lựa chọn để không thiệt thòi
cho HS.
Lê Vinh Quang
(GV chuyên Lý trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa)
Không nhìn vào bản chất của Vật lý
Cách đặt vấn đề theo kiểu “đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại” ở trong câu này thì ngoại trừ đáp án là “bước sóng”, còn lại có thể cả 3 đáp án: “vận tốc truyền sóng”, “biên độ sóng”, “tần số sóng” mà Ban ra đề đưa ra đều có thể được xem là câu trả lời đúng.
Câu hỏi cho một đề thi trắc nghiệm như vậy là rất dở. Mặc dù chương trình, sách giáo khoa phổ thông có công thức đó nhưng người ra đề đã không nhìn vào bản chất của Vật lý mà chỉ dựa vào công thức Toán học để đặt câu hỏi. Trong khi đó, hai vấn đề này không thể áp dụng cho nhau.
Đỗ Lệnh Điện
(Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Học sinh thảo luận sau buổi thi môn Vật lý - Ảnh: Đ.N.T |
Đề dẫn không chặt chẽ dẫn đến có 2 đáp án đều đúng
"Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc sóng và bước sóng; đại lượng nào không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là: Phương án 1: Vận tốc truyền sóng; Phương án 2: Tần số sóng; Phương án 3: Bước sóng; Phương án 4: Biên độ sóng. Đáp án đúng là Phương án 2: Tần số sóng".
Theo tôi: về bản chất, sóng âm là sự lan truyền dao động cưỡng bức. Sách giáo khoa Vật lý 12, chương I, bài 6-7, mục 2 có viết: "Đó (dao động cưỡng bức) là một dao động có tần số bằng tần số của ngoại lực, và biên độ phụ thuộc sự quan hệ giữa tần số f của ngoại lực và tần số riêng f0 của con lắc". Như vậy, từ SGK Vật lý 12 ta rút được các kết luận sau:
Phương án 2: tần số sóng âm bằng tần số của nguồn (không đổi khi truyền) nên không phụ thuộc các đại lượng còn lại.
Phương án 3: bước sóng có phụ thuộc vào tần số theo công thức định nghĩa.
Phương án 4: biên độ sóng có phụ thuộc vào tần số sóng.
Tuy nhiên, Vận tốc truyền sóng (phương án 1) chỉ phụ thuộc môi trường, không phụ thuộc 3 đại lượng còn lại (theo yêu cầu kiến thức THPT)
Kết luận: Đề dẫn không chặt chẽ dẫn đến có 2 đáp án đều đúng là vận tốc truyền sóng (phương án 1) và tần số sóng (phương án 2).
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình
GV trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM
3 phương án đều đúng
1. Sóng âm là sóng cơ học có tần số từ khoảng 16 Hz đến 20000 Hz, "...Vận tốc truyền âm (vận tốc âm) phụ thuộc vào tính đàn hồi và mật độ của môi trường" (trang 33 sách giáo khoa Vật lý lớp 12 - Bộ GD-ĐT)... vận tốc âm cũng thay đổi theo nhiệt độ.
Rõ ràng vận tốc truyền sóng hoàn toàn không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại (tần số sóng, biên độ sóng, bước sóng).
Chọn đáp án A.
2. Tại mọi điểm mà sóng cơ học truyền qua, các phần tử vật chất dao động với cùng một chu kỳ, bằng chu kỳ dao động T của nguồn sóng... lượng nghịch đảo f = 1/T được gọi là tần số dao động của sóng. Như vậy, tần số sóng luôn luôn bằng tần số f của nguồn sóng. Chọn đáp án B.
3. Mục 4 trang 31 sách giáo khoa Vật lý 12 có viết: "...Trong trường hợp lý tưởng, khi sóng chỉ truyền theo một phương, trên một đường thẳng, thì năng lượng sóng không bị suy giảm và biên độ sóng ở mọi điểm sóng truyền qua là như nhau".
Theo SGK thí điểm ban KHTN Vật lý lớp 12 bộ 1, mục 2 trang 98: "Trong thực tế, càng xa tâm dao động thì biên độ sóng càng nhỏ". Vậy biên độ sóng chỉ phụ thuộc khoảng cách từ tâm dao động đến điểm ta xét.
Như vậy, biên độ sóng cũng hoàn toàn không phụ thuộc vận tốc truyền sóng, tần số sóng và bước sóng. Chọn đáp án C.
Từ những luận điểm trên đây chúng tôi nhận thấy, cả A, B và C đều có thể là đáp án cho câu hỏi này.
Với sự điều chỉnh đáp án của Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố trên báo chí (ngày 5.6.2008) làm nhiều học sinh bức xúc vì chưa được giải thích thỏa đáng.
Theo chúng tôi thì những học sinh chọn một trong ba phương án: vận tốc truyền sóng (A), tần số sóng (B), biên độ sóng (C) đều đúng và có thể hưởng trọn điểm câu này.
Ths Nguyễn Thanh Dũng - giảng viên chính trường ĐH Sài Gòn,
Trần Văn Hoàn - GV trung tâm BDVH Sài Gòn Tri Thức
Cả hai đáp án B và C đều đúng
Câu hỏi cho đề thi theo hình thức trắc nghiệm không nên đặt vấn đề như vậy vì nó sẽ dẫn tới có hơn 1 đáp án đúng (trong khi nguyên tắc của câu hỏi trắc nghiệm của môn khoa học như Vật lý thì chỉ cho phép có một đáp án duy nhất đúng). Ở câu hỏi này thì dẫn đến tình huống: Nếu theo khả năng tư duy, phân tích của học sinh giỏi sẽ tìm ra câu trả lời là đáp án C (tần số sóng); còn HS bình thường sẽ rất dễ trả lời là đáp án B (biên độ sóng). Trong khi đó, với cách hỏi như vậy thì cả hai đáp án đều phải được công nhận là đúng.
Nguyễn Bá Bình
Giáo viên khối chuyên Lý- ĐHSP Hà Nội
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trước đó, trên các báo, đại diện cho Bộ GD-ĐT, ông thứ trưởng Bành Tiến Long đã có trả lời phỏng vấn về sự việc trên
Chiều 6/6, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết, sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót trong đáp án môn Vật lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Ông Bành Tiến Long |
“Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục sẽ trao đổi trực tiếp với tổ ra đề để tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng tôi cho rằng, có thể do sự chủ quan vì câu hỏi đó không quá khó” - Thứ trưởng Bành Tiến Long nói.
Ông Long cũng cho biết, đầu tiên, trưởng môn đề phải gửi báo cáo vì sao lại đề xảy ra sai sót này, ai là người ra đề, ai phản biện… Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định lỗi ở khâu ra đề hay đánh máy.
Những cá nhân, tập thể có trách nhiệm liên quan sẽ được xem xét. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng: Dù đây chỉ là một sai sót nhỏ, không ảnh hưởng đến thí sinh và việc chấm thi nhưng, Bộ sẽ không mời các thầy đó ra đề nữa.
Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định, sai sót đáng tiếc ở đáp án môn Vật lý không ảnh hưởng đến thí sinh và việc chấm thi. Bởi lẽ, khi phát hiện sự việc vào chiều mùng 4/6, chưa đơn vị nào quét dữ liệu bài thi và chấm thi.
Việc để xảy ra sai sót như vừa rồi phải rút kinh nghiệm. Sắp tới, Bộ sẽ làm việc với ban đề thi về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, tăng cường việc bảo đảm tính chính xác trong khâu ra đề - Thứ trưởng Bành Tiến Long nói.
Lời kết của Mít Đặc: Như vậy chỉ với 1 câu trả lời trắc nghiệm, tổ đề thi của Bộ GD-ĐT sau khi tranh cãi, thảo luận đã không bảo vệ được ý kiến của mình, phải chấp nhận theo dư luận. Nhưng sự điều chỉnh của Bộ GD-ĐT cũng chưa thật thuyết phục và hợp lý - theo ý kiến của cá nhân tôi, khi chưa đọc báo cũng thấy rằng có thể chọn cả 3 phương án: Biên độ, tần số, vận tốc. Rất cảm ơn thông tin từ Tiến sĩ Lê Cao Phan- liệu Bộ GD-ĐT có "nhanh chóng tiếp thu lần nữa" không ta?
Nếu tất cả các câu trắc nghiệm trong các đề thi đều được soi như trên, chắc sẽ còn lắm chuyện hay! Các kỳ thi trước cũng có ý kiến này nọ về đề thi nhưng quả là không rôm rả như vụ này.
Chỉ còn 5 hôm nữa là công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Trước dư luận nóng về việc nhầm lẫn đáp án môn Vật lý, TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng GD khẳng định không điều chỉnh đáp án môn Vật lý lần nữa.
Trả lờiXóaTrao đổi với báo chí vào chiều nay 10/6, ông Ninh cho biết: Sự nhầm lẫn về đáp án câu 5 (mã đề 478), đề thi môn Vật Lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án điều chỉnh và kết luận:
Thứ nhất: Đề thi hoàn toàn chính xác, không có sai sót, trong khuôn khổ chương trình THPT.
Thứ hai: Đáp án câu 5 mã đề 487 (hay câu có nội dung tương đương trong các mã đề còn lại của đề thi thuộc chương trình không phân ban và phân ban) có nội dung:
“Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: Biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc truyền sóng và bước sóng; đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là:
A. Vận tốc truyền sóng
B. Tần số sóng
C. Biên độ sóng
D. Bước sóng
Ban đầu, chọn đáp án là phương án C. Nay sửa lại thành phương án B, vì lý do:
- Biên độ sóng là biên độ của dao động cưỡng bức, nó phụ thuộc vào tần số sóng.
- Với một sóng xác định thì tần số không đổi (SGK Vật lí lớp 12 trang 30 dòng 10 từ dưới lên): “Tại mọi điểm mà sóng cơ học truyền qua, các phần tử vật chất dao động với cùng một chu kì, bằng chu kì dao động T của nguồn sóng. Chu kì chung của các phần tử vật chất có sóng truyền qua được gọi là chu kì dao động của sóng và lượng nghịch đảo f = 1/T được gọi là tần số dao động của sóng”
- Bước sóng và vận tốc truyền sóng phụ thuộc vào nhau theo hệ thức v=f.λ
Vì vậy, đáp án của câu trắc nghiệm này được khẳng định là phương án B: “Tần số sóng”, phù hợp với Chương trình giáo dục THPT hiện hành.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điều chỉnh đáp án, vẫn còn những ý kiến khác nhau tranh luận xung quanh vấn đề này. Vậy Bộ GD&ĐT đã chính thức đưa ra kết luận cuối cùng chưa, hay vẫn còn tiếp tục điều chỉnh?
Bộ GD&ĐT đã chính thức điều chỉnh đáp án theo Công văn số 536/KTKĐCLGD ngày 4/6/2008. Đến nay, các Sở GD&ĐT đã chấm thi trắc nghiệm môn Vật lí theo đúng phương án đã được hướng dẫn mà không có ý kiến gì khác.
Giả sử trong đề thi trắc nghiệm có một câu sai hoàn toàn, việc xử lý sẽ ra sao?
Ngay cả đối với môn thi tự luận, nếu có một bộ phận đề sai (nhưng ứng với số điểm không lớn), phương pháp điều chỉnh sẽ là: bỏ phần sai, tính lại thang điểm để chấm.
Thông thường, với môn thi trắc nghiệm, sau khi quét toàn bộ số bài thi, nếu thống kê thấy có một vài câu kém chất lượng, người ta có thể bỏ những câu đó trước khi chấm chính thức với thang điểm tuyệt đối cho những câu còn lại.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (ghi)- Dân trí
Bài viết về đề thi TNPT môn Vật Lý năm 2008-chương trình không phân ban do TSKH. Lê Văn Hoàng -ĐHSP TpHCM gửi đến "thư viện vật lý" nguyên văn:
Trả lờiXóa"Câu 5, mã đề 487-chương trình KPB và đáp án của Bộ đang gây ra tranh luận trong các giáo viên và học sinh. Nhân việc báo Người Lao Động hỏi ý kiến, tôi xin có bài phân tích như sau:
Một sóng âm truyền trong không khí, trong số các đại lượng: biên độ sóng, tần số sóng, vận tốc truyền sóng và bước sóng; đại lượng không phụ thuộc vào các đại lượng còn lại là
A. vận tốc truyền sóng B. tần số sóng C. biên độ sóng D. bước sóng
(B- tần số sóng là đáp án của Bộ)
1. Đầu tiên ta xem vì sao Ban ra đề đưa ra đáp án đầu tiên là ‘C. biên độ sóng’?
Ta có công thức quen thuộc đối với học sinh là
λ =v/f (1)
trong đó v – vận tốc truyền sóng, f – tần số của sóng âm và λ – bước sóng. Như vậy có thể nói 3 đại lượng: vận tốc, tần số và bước sóng có mối quan hệ với nhau. Trong khi đó, chương trình phổ thông không có công thức nào chỉ ra sự liên hệ giữa biên độ sóng âm với các đại lượng trên. Do đó, trong đề thi trên, nếu thay chữ ‘phụ thuộc vào’ bằng chữ ‘liên quan tới’ thì câu trả lời ‘C. biên độ sóng’ là đáp án đúng, phù hợp với chương trình phổ thông.
2. Nếu để nguyên đề thi thì đề không sai tuy nhiên sẽ có nhiều đáp án đúng. Vì vậy nếu đây là câu trắc nghiệm chỉ có một chọn lựa thì đề thi có vấn đề.
Ta sẽ giải đề theo chương trình phổ thông:
- Vận tốc truyền sóng: Ta biết rằng vận tốc truyền sóng âm chỉ phụ thuộc vào môi trường, nếu môi trường là không khí thì phụ thuộc vào mật độ không khí. Trong điều kiện thường, vận tốc âm thanh trong không khí khoảng 320m/s và không phụ thuộc vào tần số, biên độ và bước sóng. Cho nên ‘A. vận tốc truyền sóng’ là đáp án đúng. Thực tế ta biết rằng sóng lan truyền trong môi trường thì vận tốc phụ thuộc vào tần số, như là hiện tượng ‘tán sắc’ ánh sáng. Trong điều kiện phòng thí nghiệm lý tưởng và với các đo đạc chính xác, về nguyên tắc ta có thể hy vọng quan sát được hiện tượng ‘tán âm’. Tuy nhiên với sóng âm trong không khí thì vận tốc truyền sóng không phụ thuộc vào ba đại lượng nêu trên.
- Tần số sóng: Thực tế, tần số sóng do dụng cụ đo (ví dụ là tai người nghe) khác tần số sóng do nguồn phát ra nếu nguồn phát chuyển động (hiệu ứng Doppler). Theo hiệu ứng này, nếu nguồn phát sóng chuyển động thì tần số sóng đối với nguồn thu luôn phụ thuộc vào vận tốc truyền sóng. Do vậy chọn lựa ‘B. tần số sóng’ là đáp án sai. Tuy nhiên ở chương trình phổ thông, nếu học sinh chưa học hiệu ứng Doppler thì có thể mặc định nguồn phát sóng đứng yên và khi đó tần số sóng không phụ thuộc vào vận tốc truyền sóng. ‘Đáp án B. tần số sóng’có thể tạm cho là đúng.
- Biên độ sóng: Khi truyền trong không khí trên nguyên tắc sóng âm tắt dần do hấp thụ của không khí, vì vậy biên độ có sự phụ thuộc phức tạp. Ví dụ ta thấy âm có tần số cao thì lan xa hơn các âm trầm. Tuy nhiên ở khoảng cách vài m ta có thể xem sóng âm có biên độ không đổi. Ở mức độ phổ thông chúng ta mặc định như vậy nên học sinh không học một công thức nào liên quan đến sự phụ thuộc của biên độ sóng với các đại lượng đặt trưng cho sóng như tần số, vận tốc và bước sóng. Do đó chọn lựa ‘C – biên độ sóng’ cũng là đáp án đúng. Có ý kiến cho rằng sóng âm là sóng cưỡng bức (nguồn phát cưỡng bức không khí dao động) cho nên biên độ phụ thuộc vào tần số. Đây là quan điểm sai lầm. Trong không khí, liên kết giữa các phần tử rất yếu nên tần số riêng của không khí nhỏ hơn rất nhiều lần so với tần số sóng âm và có thể bỏ qua. Vì vậy không thể có chuyện biên độ phụ thuộc vào tần số do dao động cưỡng bức.
- Bước sóng: Công thức λ =v/f chỉ sự phụ thuộc của bước sóng vào tần số. Thực tế, vận tốc truyền sóng không đổi, chúng ta đo được các bước sóng khác nhau phụ thuộc vào các tần số khác nhau. ‘chọn lựa D. bước sóng’ là đáp án sai.
Kết luận: Với kiến thức chương trình phổ thông, câu hỏi trên có 3 chọn lựa đúng.
...............
3. Làm thế nào để giải quyết vấn đề đã phát sinh do đề không chính xác như đã phân tích? Theo tôi có 2 phương án giải quyết theo trình tự ưu tiên:
Trả lờiXóa+ Phương án 1: Hủy bỏ câu này, tính điểm 0.25 cho tất cả học sinh. Chính người thầy ra đề còn nhầm lẫn, các thầy còn tranh luận thì không thể dùng câu hỏi đó để đánh giá học sinh
+ Phương án 2: Vì là câu hỏi chỉ có một chọn lựa, cho nên nếu học sinh trả lời một trong 3 đáp án A, B, C đều cho điểm. Nếu trả lời đáp án D thì mất điểm.
4. Hiện tượng đề ra sai, đáp án không chuẩn xảy ra không phải lần đầu ở cấp quốc gia. Chúng ta cần xem lại quy trình ra đề thi.
TSKH. Lê Văn Hoàng