Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc
Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau: Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống. Và cũng có lẽ do quan niệm mỗi nơi, cộng thêm sự phong phú về nếp sống văn hóa ở mỗi vùng miền mà nghi thức cúng Ông Táo cũng có phần khác nhau ở mỗi địa phương. Từ Nghệ An trở ra Bắc, người ta thường mua cá chép sống về cúng rồi thả xuống sông, hồ hoặc thả vào giếng, nuôi cá cho đến lớn để cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông. Có gia đình quan niệm nên phóng sinh để cá hóa thành rồng đưa ông Táo lên trời. Riêng vùng Nam Trung Bộ trở vào thì tục lệ này có phần khác, theo quan niệm của họ, để tỏ lòng biết ơn các Táo, họ có thể dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt, là cây nhà lá vườn chứ không cần cầu kì, mà chỉ cần lòng thành. Đặc biệt ở các tỉnh Nam Trung bộ thường có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”. Dù phong tục và cách thức tiễn đưa Ông Táo ở các vùng miền có phần khác nhau, nhưng có thể nói tục cúng Ông Táo đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến, là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng là một nghi lễ chính thức để bắt đầu cho những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Từ đó, cũng thấy được sự trân trọng của nhân dân ta đối với đời sống gia đình, công việc bếp núc, việc chăm sóc dinh dưỡng cho mọi người, cũng như ý thức lối sống nề nếp, cách cư xử đúng mực của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. (Theo Phật tử Việt Nam)
Tiễn ông Táo ở một gia đình truyền thống Như nhiều gia đình Việt, năm nào cũng vậy, nhà ông Điệp (Gia Lâm, Hà Nội) đều tổ chức tiễn đưa 3 ông đầu rau về trời một cách trọng thể, với đủ nghi thức truyền thống như làm cỗ xôi gà, thả cá chép, hóa vàng... Ông Táo hay còn gọi là Thổ Công, là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Theo tín ngưỡng của người Việt, 23/12 Âm lịch ngày Táo quân lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế về những hoạt động của gia chủ năm cũ, định hướng phúc lộc cho năm mới. Bởi vậy, dù bận rộn, các gia đình cũng đều có chút lễ lòng thành dâng lên, mong các Táo có lời hay ý đẹp cho gia đình mình. | Chị Tư - con gái ông đã đi chợ từ sáng , trước hết là mua đồ làm mâm cơm, rồi lễ vật cúng Táo công, gồm có: 3 chiếc mũ, hai cho Táo ông và một cho Táo bà. Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không. Ngoài ra chị mua thêm một ít tiền vàng. | | Không thể thiếu được công đoạn mua cá chép hoặc cá vàng về thả phóng sinh, theo quan niệm của người Việt dùng để làm phương tiện cho các Táo lên trời. Chị Tư chọn lấy 3 con đẹp nhất trong chậu. | | Công việc nấu nướng trong buổi sáng gồm thổi đĩa xôi, luộc gà, nấu bát canh..., nhưng chị Tư và ông Điệp phải dậy từ sớm để còn kịp cúng cơm trưa. | | Đĩa xôi là phần không thể thiếu trong mâm cơm. | | Cuối cùng là sắp thành mâm, thắp hương dâng lên các Táo, và ông bà tổ tiên. | | Hương tắt, ông Điệp đem thả cá vào chiếc ao gần nhà. Nhà nào gần chùa thì thả cá vào ao chùa. | | Sau cùng là hóa vàng các đồ lễ dành cho các Táo. | (Theo VNexpress.net)
(Dân trí) - Từ chiều qua, các thủ tục cần thiết cúng tiễn ông Táo về trời đã được người dân TPHCM tất tả sắm sửa. Không phô trương nhưng trên mâm cúng của người phương Nam vẫn đảm bảo tươm tất những hoa, quả, và đồ lễ để “ông Táo tâu lên Thiên đình những điều tốt”. Do cuộc sống bận rộn, nên nhiều người ở thành phố đã chuẩn bị mua đồ lễ cúng từ chiều qua. Chị Nguyễn Thanh Thảo chọn mua hoa và thèo lèo (bỏng gạo) tại chợ Bến Thành cho biết: “Bận rộn quá nên tôi chỉ cúng được mỗi hoa và chút bánh kẹo thôi. Cuối năm, chủ nhật, vẫn phải đi làm. Khó lo chu tất cho lễ tiễn ông Táo nhưng vẫn không thể bỏ qua”. Nhộn nhịp nhất là mặt hàng hoa cúng. Các điểm bán hoa vạn thọ, cúc, huệ rực khắp các chợ Bến Thành(Q.1), chợ Văn Thánh, Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)… Hoa còn được bày tràn cả lề đường để người dân tiện ghé ngang mua về. Hoa vạn thọ được đẩy giá khá nhanh do nhiều người chọn mua Được chuộng nhất là hoa vạn thọ, giá mặt hàng này được đẩy lên 5.000-6.000đồng/cây. Hoa cúc 8.000 đồng/bó, hoa huệ dao động khoảng 30.000 đồng/bó và hoa ly 60.000 đồng/bó. Một phần không thể thiếu trong mâm cúng tiễn ông Táo ở phương Nam là trái cây; thường thì quýt, thanh long, mãng cầu được “chiếu cố” nhiều hơn. Mặc dù vậy, giá các mặt hàng này từ hôm qua vẫn đứng, như quýt Thái: 16.000đồng/kg, quýt đường: 35.000đồng/kg, thanh long dao động từ 22.000-25.000đồng/kg, mãng cầu khoảng 45.000đồng/kg. Đến hôm nay thì sức mua trái cây tại các chợ cũng tăng hơn. Áo ông Táo, thèo lèo gói sẵn - những thứ đặc trưng cho lễ cúng ông Táo của người phương Nam Ngoài ra, nhiều gian hàng bày bán thèo lèo, giấy hàng mã, áo mũ cũng bắt đầu đắt hàng hơn. Không như phong tục miền Bắc hành trang cho ông Táo luôn đầy đủ mũ áo, cá chẹp, ngựa, xe… bằng hàng mã, trong phần đồ lễ của người phương Nam dành cho ông Táo chỉ vỏn vẹn có một chiếc áo. Để tiện cho người cúng, các quầy hàng bán các gói thèo lèo được chia sẵn với giá chỉ 3.000-6.000đồng. Dù không phổ biến như ở phía Bắc về tục thả cá chép đưa ông Táo, vẫn không thiếu những nơi bán cá chép cho người có nhu cầu phóng sinh. Cá không chỉ được bán ngoài chợ mà còn xuất hiện nhiều người bán dạo tại các con đường. Trong dịp này, cá chép loại nhỏ được chọn nhiều nhất, giá một con dao động từ 10.000-15.000 đồng. Riêng cá chép loại lớn thì được bán theo kg, với giá 60.000 đồng/kg. Cá chép phóng sinh được bày bán nhiều trên đường Người phương Nam còn có phong tục bày cây mía cạnh bếp trong ngày này. Trên nhiều con đường của thành phố như Nguyễn Tri Phương (Q.10), Lãnh Binh Thăng (Q.11)… xuất hiện nhiều xe bán mía lưu động. Giá mía cũng được đẩy lên từ 3.000 lên đến 10.000 đồng/cây. Bên cạnh đó, người thành phố thường cúng chè trôi nước vì vậy sáng sớm các quầy bán chè tại nhiều chợ cũng trở nên đắt hàng. Dù mâm cúng ông Táo không cầu kỳ, nhưng mọi gia đình đều thể hiện sự thành tâm mong muốn “ông Táo báo cáo điều tốt đẹp nhất của gia đình mình trong năm qua lên Thiên đình”.
(Theo Dantri.com.vn)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét