Đầu năm mà có bài này thì xem ra bà kon chơi chứng phải cảnh giác dữ. Mình theo thằng này cũng méo mày, méo mặt nhưng theo tiêu chí dưới đây thì cũng được xếp vào loại "kinh doanh ...giỏi" . Không biết bài này có làm cho chứng khoán 2009 hẻo thêm không, nhưng đầu 2008 bà kon hăng hái là thế còn gì . Một điều nữa là nếu những việc thiếu minh bạch trên sàn còn diễn ra mà không bị xử lý thích đáng thì bà con chơi chứng còn lãnh đạn dài dài.(MĐ)
Năm 2008 có thể nói là một năm buồn với biết bao nhà đầu tư chứng khoán. Chúng tôi xin ghi lại những câu chuyện tự hào lượm lặt được trên sàn chứng khoán.
Trong lớp học cô giáo hỏi học sinh: Bố mẹ các em làm nghề gì? Một em trả lời, bố em là bộ đội, một em trả lời bố em là bác sỹ, em nữa trả lời bố em làm thủy thủ… Một em ngập ngừng đứng lên nói, bố em là nhà đầu tư chứng khoán. Cả lớp cười ồ lên. Cô giáo nghiêm mặt nhắc nhở: Các em không được cười bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn!. Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện trào phúng về dân chứng khoán trong năm 2008, năm mà khởi đầu người ta hy vọng sẽ tốt đẹp hơn năm 2007, nhưng rốt cuộc thì… tất cả đều chưng hửng.
“Ma” chứng khoán
Không ít người từ tỷ phú bỗng trở thành con nợ. Nhiều nhà đầu tư phải lo trả nợ ngân hàng hàng tháng vì lỡ… thế chấp nhà để mua cổ phiếu. Khi cổ phiếu cứ lình xình ở mức trên 300 điểm hiện nay, nhiều người không dám bán cắt lỗ vì sợ bán không mua lại kịp.
Còn những nhà đầu tư trót mua khi thị trường đang 900 điểm thì chấp nhận lỗ nặng. Nhẹ thì bán nhà to mua nhà nhỏ để trả nợ ngân hàng, nặng thì bán nhà vẫn không đủ trả nợ, phải ở nhà thuê. Tổng kết lại trên toàn thị trường, đến thời điểm này, dân chứng khoán, người nào giảm 50% giá trị tài sản là giỏi, còn bình thường chỉ giữ lại được khoảng 1/3 vốn liếng. Lo kiếm tiến trả nợ ngân hàng “nuôi” chứng khoán hoặc buồn rầu vì mất tiền khiến nhiều nhà đầu tư gầy rộc đi trông thấy!
Chỉ số VN-Index hòa vào lưới điện
Nhiều nhà đầu tư cá nhân bị vỡ mộng chứng khoán đã đành, những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng lao đao vì các bẫy bull trap liên tục trong năm 2008. Việc dò đáy thị trường khiến nhiều nhà đầu tư không đủ lực để mua vào khi thị trường chạm đáy, hoặc phải bán ra cắt lỗ trước khi thị trường chạm đáy và không kịp mua vào sau đó. Bắt nhịp sóng của thị trường là việc làm cực kỳ rủi ro trong năm qua.
Khi thị trường chạm mốc 360 điểm vào tháng 6, nhiều công ty chứng khoán đã trích lập dự phòng tài chính lớn tự tin tuyên bố rằng, thị trường khó có thể thiết lập mốc thấp kỷ lục này nên hy vọng đến cuối năm thị trường tăng trở lại thì khoản trích lập dự phòng sẽ được chuyển ghi vào lợi nhuận. Dự báo này khiến thị trường hy vọng vào cổ phiếu ngành tài chính- chứng khoán nên khi có một đợt tăng giá vào tháng 7, cổ phiếu của các công ty chứng khoán như SSI, Bảo Việt, Hải Phòng đã tăng giá gấp 3 lần. Nhưng “ôi thôi” đến giờ này thị trường lại giảm sâu hơn.
Có một câu chuyện thật trăm phần trăm về chủ đề dò đáy thị trường. Một nhóm lãnh đạo công ty chứng khoán ngồi với nhau dự đoán VN-Index sẽ giảm bao nhiêu. Người đoán là giảm về 300 điểm, người bảo sẽ về 250 điểm, người bảo sẽ lên được 320 điểm… Giám đốc một công ty có tiếng bảo: “Tôi đoán về 220 điểm”. Mọi người xôn xao khi một nhân vật nhiều kinh nghiệm và uy tín nhất đưa ra nhận định này mới hỏi lại: “Sao bác lại phán thế?”. Bác kia bảo rằng: “Tôi thấy lưới điện là 220 thì VN-Index chắc cũng về 220 điểm, hòa vào lưới điện”. Câu chuyện vui này phản ánh một thực tế là, không nhà đầu tư tổ chức nào dám dò đáy thị trường vào lúc này.
Ai cho người giàu làm người bình thường?!
Tại TPHCM, đại gia một thời như anh Q cũng tiêu tán khoảng 500 tỷ đồng vào chứng khoán. Lý do là anh này vay ngân hàng khá nhiều. Là nhà đầu tư nhưng lại thích có chân trong hội đồng quản trị, vì thế khi thị trường giảm điểm, trong khi bạn bè có thể “bỏ chạy”, bán hết cổ phiếu thì anh loay hoay chưa bán được vì bán phải xin phép và công bố thông tin.
Không chỉ anh Q gặp khó vì trở thành cổ đông chiến lược của công ty này, công ty kia mà nhiều tổ chức khác cũng chịu lỗ vì lỡ trở thành… cổ đông chiến lược. Giám đốc một công ty chứng khoán tầm cỡ cho biết, chỉ có thể bán những cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu OTC khó bán nhưng cũng còn chạy được. Còn hàng loạt các khoản đầu tư chiến lược vào các công ty khác thì không bán được vì khối lượng cổ phiếu nắm giữ lớn và khi mang danh là cổ đông chiến lược thì lại rất khó bán ra nên đành trích lập dự phòng.
Nhất là với nhóm cổ phiếu ngân hàng, không chỉ trích lập dự phòng giảm giá mà tổ chức đầu tư cổ phiếu ngân hàng còn chuẩn bị tiền để mua cổ phiếu mà các ngân hàng phát hành thêm để tăng vốn điều lệ theo quy định. Bỏ tiền ra vào thời điểm này không biết khi nào mới thu hồi lại được. Thế nên mới có câu than thở rằng: “Người giàu muốn làm người bình thường. Nhưng ai cho người giàu làm người bình thường”?! Đây cũng là cái giá phải trả khi năm 2006 - 2007, các tổ chức đua nhau công bố các khoản đầu tư chiến lược đẩy giá cổ phiếu lên để làm bài mua sỉ bán lẻ cổ phiếu kiếm lời.
Cưới… cổ phiếu
Chẳng bao giờ mua bán chứng khoán nhưng anh T ở Hà Nội cũng là nạn nhân của chứng khoán khi quyết định lấy cô vợ mà nhiều năm liền kể từ khi quen biết cô này, anh chê bai đủ điều cả về hình thức và “nội dung”. Bạn bè ngạc nhiên khi anh quyết định làm đám cưới. Sau đó mới vỡ lẽ ra là cô vợ sở hữu tài khoản khoảng 70.000 cổ phiếu SSI tại thời điểm cổ phiếu này chuyển sàn tăng giá đến 250.000 đồng/cổ phiếu. Anh T bán cổ phiếu của vợ mua một chiếc xe ô tô. Số còn lại tính mua biệt thự nhưng biệt thự chưa kịp mua thì cổ phiếu giảm giá. Số cổ phiếu trị giá gần 20 tỷ đồng chỉ còn lại vài ba tỷ. Vì thế anh sinh ra chán đời suốt ngày ngồi cơ quan… chơi điện tử.
Chuyện giàu nghèo, sướng khổ vì cổ phiếu vô cùng phong phú. Thị trường chứng khoán làm nhiều người lúc thì “lên voi” khi lại “xuống chó”. Nhưng với tinh thần lạc quan vốn có, giới đầu tư chứng khoán vẫn ngày ngày ngồi lại với nhau để bàn tính câu chuyện đầu tư và tự trào phúng để… đợi đến ngày mai.
Diễn đàn Doanh nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét