Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Giáo dục ý thức cạnh tranh sinh tồn ở Thụy Điển: Những điều mắt thấy tai nghe

Những quan điểm sư phạm rất mới mẻ đây


Bắt nạt kẻ khác là một ưu thế
Năm 2000, khi con gái chúng tôi là Viên Viên mới 5 tuổi, tôi theo chồng sang Stockholm (Thụy Điển) sinh sống. Chồng tôi làm giám đốc kỹ thuật một công ty phần mềm Thụy Điển, tôi cũng không chịu ngồi nhà, xin làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty du lịch. Hai chúng tôi đều hưởng lương rất cao, có thể liệt vào hàng khá giả trong số người Hoa ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai. Lẽ ra như thế chúng tôi có thể sống vui vẻ, thế nhưng ngày nào tôi cũng âu sầu ảo não về chuyện học hành của con bé.

Hôm đầu tiên đưa Viên Viên đến nhà trẻ, tôi phấn khởi lắm, vì đây là nhà trẻ của Giáo hội, trang bị rất tốt và chất lượng thầy cô giáo khá cao. Thế nhưng tối hôm ấy khi đón cháu về, thấy nó không vui, tôi hỏi tại sao thì cháu oà khóc nói: “Chẳng có bạn nào nói chuyện với con, chẳng ai chơi với con cả.” Hôm sau tôi đến đón cháu sớm hơn, đứng ngoài sân kín đáo quan sát lũ trẻ thì thấy Viên Viên thui thủi một mình một xó nhìn các bạn khác đang lần lượt chơi đu. Cô giáo đứng ngay cạnh thản nhiên không nói gì. Tôi thật thất vọng.

Khi về nhà, Viên Viên kể, cô giáo có nhắc các bạn chơi với con nhưng chẳng ai nghe, có hai bạn trai còn đẩy ngã con nữa, thế mà cô cũng không nói gì cả. Tôi phát ngán cái nhà trẻ này quá, bèn đi liên hệ xin cho cháu vào nhà trẻ khác. Thế nhưng ở Thụy Điển do phúc lợi xã hội cực tốt nên chẳng mấy ai gửi con vào nhà trẻ, Vì thế số lượng nhà trẻ rất ít, nhà trẻ gần thì lại càng không tìm đâu ra.

Điều làm tôi bực mình nhất là cô giáo rõ ràng nhìn thấy lũ trẻ bắt nạt nhau mà chẳng bao giờ can thiệp cả. Một hôm, Viên Viên bị một bạn trai cắn, trên vai còn hằn rõ vết tím bầm hai hàm răng thằng bé kia. Tôi tức quá liền đến gặp cô giáo thì cô ấy tỉnh bơ nói: “Trẻ em đánh nhau tuy là có lỗi, song có thể tha thứ; thế nhưng có ai ngăn cản con bà đánh lại các bạn đâu ?” Tôi suýt phát điên lên vì thứ lý luận kỳ quặc ấy ! Đó chẳng phải là lôgic của bọn kẻ cướp đấy ư ? Tôi chờ cho tới khi bà mẹ thằng bé kia đến đón con thì nói chuyện để bà ấy dạy con không nên bắt nạt Viên Viên. Ai ngờ bà béo ấy tỏ ý khó chịu nói: “Thế con bà không có răng à ? Sao cháu nó không biết cắn lại con tôi nhỉ ?” Tôi thật khóc dở mếu dở trước câu trả lời ấy.

Thầy cô giáo không quan tâm đến việc trẻ em bắt nạt nhau, coi thế là khuyến khích cạnh tranh. Đứa trẻ đi bắt nạt bạn sẽ trải nghiệm được ưu thế do nó có thực lực, còn đứa trẻ bị bắt nạt sẽ phải cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Thật là một mớ lý luận kỳ quái, nhưng thực tế đúng là như vậy.

Một hôm chồng tôi mời một anh bạn đến chơi để trao đổi về chuyện trên. Anh ấy trước cũng học ở Đại học Bắc Kinh, là tiến sĩ xã hội học, thông thái uyên bác, đã công tác ở Thụy Điển mười mấy năm nay. Anh giải thích: ở nước này, khi trẻ em bị bạn bắt nạt, phụ huynh không được khiếu nại với thầy cô giáo, cũng không được nói gì với phụ huynh đứa trẻ bắt nạt. Tại Trung Quốc, bắt nạt người là sai trái phải bị chê trách, còn ở đây thì lại là một kiểu thể hiện ưu thế, bị bắt nạt là thể hiện mình kém năng lực. Lôgic khác nhau nên cách đánh giá cũng khác nhau !

Thầy cô giáo không quan tâm đến việc trẻ em bắt nạt nhau, coi thế là khuyến khích cạnh tranh. Đứa trẻ đi bắt nạt bạn sẽ trải nghiệm được ưu thế do nó có thực lực, còn đứa trẻ bị bắt nạt sẽ phải cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Thật là một mớ lý luận kỳ quái, nhưng thực tế đúng là như vậy.

Không cạnh tranh thắng thì không được ăn

Xem ra có chuyển nhà trẻ cũng vô ích. Hồi ấy đang là mùa ít khách du lịch, công ty tôi không có lãi nên tôi bị mất việc. Thế là tôi ở nhà trông con, không cho cháu đi nhà trẻ nữa.

Nhà tôi trọ ở vùng ngoại ô vắng vẻ giữa rừng, đánh xe đi 15 phút cũng chẳng gặp ai cả. Thật tội nghiệp cho Viên Viên mới 5 tuổi mà phải ở nhà một mình, không có bạn cùng tuổi thì có gì mà chơi. Chẳng có nơi nào học đàn pi-a-nô, học vẽ, học nhảy múa. Chỉ vì người lớn muốn ra nước ngoài kiếm sống mà lũ trẻ khổ thế đấy. Tôi thường cằn nhằn oán trách chồng về việc này.

Sáu tháng sau, chồng tôi chuyển đến làm việc ở một chi nhánh của công ty đóng tại thành phố Lulea miền bắc Thụy Điển. Tại đây tôi tìm được việc đánh máy thuê, bèn gửi con bé vào nhà trẻ.

Ngày đầu tiên từ nhà trẻ về, mắt cháu đỏ hoe. Tôi tưởng là cháu bị ai đánh nhưng không phải. Thì ra chiều nay nhà trẻ chia táo cho lũ trẻ, nhưng cô giáo không chia đều mà yêu cầu các cháu phải giải câu đố, ai giải được thì được chia một quả táo.

Trời ơi, Viên Viên mới học bập bẹ được dăm câu nói tiếng Thụy Điển thường dùng đơn giản thì sao mà giải được câu đố chứ. Thế là dĩ nhiên cháu không được ăn táo. Ở Bắc Âu, được ăn táo là sướng lắm. Táo bán ngoài hiệu đã ít chủng loại mà giá lại đắt kinh khủng, nói chung tầng lớp làm công ăn lương khó mà mua được táo tươi ngon. Nhà tôi cũng chỉ thỉnh thoảng mua được ít táo quá mùa, một tuần được ăn vài quả táo chưa chín hẳn đã là khá lắm. Viên Viên giận dỗi khóc thút thít. Tôi an ủi: “Ta không ăn táo nhà trẻ nữa, mẹ mua cho con ăn vậy.”

Tuy được ăn táo ở nhà, nhưng tâm lý Viên Viên vẫn không thể nào chịu được chuyện bất công như vậy ở nhà trẻ. Một đứa bé 5 tuổi thấy bạn bè ngồi cạnh mình đều được ăn táo cả còn mình thì phải chờ về nhà mới được ăn, như thế tâm trạng nó sẽ ra sao ? Tôi thật chỉ muốn gặp ngay cô giáo trao đổi chuyện ấy, nhưng nhớ tới bài học lần trước nên đành thôi mà chỉ khuyên cháu chịu đựng vậy, chờ sau này khi mẹ con mình đều giỏi tiếng Thụy Điển rồi thì con sẽ được ăn táo thoải mái.

Lý lẽ thì đơn giản thế, nhưng thực tại lại thật khó hiểu. Một hôm tôi về sớm đón cháu, thấy cô giáo đang chia dưa hấu cho lũ trẻ. Cảnh tượng ấy tôi thật khó mà quên được: mười mấy cháu nhỏ ngồi quanh dãy bàn dài, trước mỗi cháu bày một cái đĩa trên đựng một hai miếng dưa. Lũ trẻ đang khoái chí gặm dưa, còn cái đĩa trước mặt Viên Viên thì trống huếch chẳng có gì cả. Cháu cúi đầu ngồi yên lặng không động đậy, cứ như kẻ phạm tội đang bị xử án. Cách làm của cô giáo như vậy có quá đáng không đây ? Như thế thì còn gì là cạnh tranh nữa, rõ ràng là phân biệt đối xử.

Lúc Viên Viên ngẩng đầu lên trông thấy tôi đứng ngoài cửa kính, cháu oà khóc. Tôi bực tức mở toang cửa xộc vào, mặt tái đi, đến đứng trân trân trước mặt cô giáo, vì tức giận mà tôi không nói được gì, hai tay run bần bật. Có lẽ cô giáo cũng hiểu là làm thế quá đáng thật, nếu tôi kiện cô có hành vi phân biệt chủng tộc thì cô ấy khó mà thoát tội. Cô giáo đứng dậy xin lỗi tôi mấy lần liền, thanh minh cô không có ý phân biệt đối xử với bất cứ cháu nào mà chỉ muốn trau dồi cho chúng ý thức cạnh tranh, như vậy sẽ rất có lợi cho sự trưởng thành của lũ trẻ. Tôi tức giận quát to: “Tôi không muốn để con mình tham gia kiểu cạnh tranh bẩn thỉu này !” rồi xông đến kéo Viên Viên về nhà.

Vịt con xấu xí biến thành thiên nga

Hiểu rằng nếu cứ thế mãi thì sự phát triển tâm lý của Viên Viên sẽ bị tổn thương không thể nào cứu được, tôi bèn dứt khoát bỏ công việc có thu nhập cao mình đang làm, thuyết phục chồng dọn nhà vào khu trung tâm thành phố. Tuy ở đây tiền thuê nhà đắt gấp đôi, nhưng có nhiều trẻ em để Viên Viên tiếp xúc. Ngày ngày tôi dẫn cháu đến vườn hoa khu phố, tại đây có không ít các bà nội trợ đưa con đến chơi. Nhờ thế, tôi kết bạn được với mấy bà người Thuỵ Điển tốt bụng, chúng tôi trò chuyện rất vui bằng tiếng Anh. Biết tôi có học vị tiến sĩ, lại đến từ một nước phương Đông, họ trò chuyện với tôi đủ mọi chuyện trên đời. Điều quan trọng nhất là Viên Viên có dịp hoà nhập với lũ trẻ con của họ, ngày nào cháu cũng được vui chơi nô đùa thoả thích, vì thế tôi cũng mừng lắm.

Để tăng khả năng cạnh tranh của Viên Viên, tôi mua trọn một bộ sách giáo khoa tiểu học Thụy Điển. Giở ra xem, trời ơi, chương trình 6 năm tiểu học còn ít hơn chương trình lớp 1 ở Trung Quốc. Tôi còn nhắn mẹ tôi gửi từ nhà sang một bộ sách giáo khoa tiểu học của Trung Quốc, ngày nào tôi cũng ở nhà dạy Viên Viên học theo bộ sách này.

Năm Viên Viên 6 tuổi, cháu vào tiểu học. Hôm khai giảng, tôi mua cho cháu một chiếc cặp sách đẹp nhất, mặc cho cháu bộ quần áo bò rất đắt tiền. Thế nhưng khi đến trường, tôi thấy các trẻ em khác đều mang theo một chiếc ống lớn màu sắc sặc sỡ. Lễ Khai giảng ở đây rất đặc biệt. Vì lớp học rộng mà mỗi lớp chỉ có 15 học sinh nên tất cả phụ huynh đều cùng con em mình vào lớp ngồi bên nhau. Thầy giáo điểm danh, đến tên ai thì học sinh đó lên đứng trên bục giảng. Tất cả lũ trẻ đều cầm những chiếc ống mầu to đẹp, em nào cũng đắc ý lắm. Chỉ có một mình Viên Viên chẳng cầm gì cả, trông thật không ăn nhập. Có mấy cháu trai liếc nhìn Viên Viên ồ lên cười giễu cợt: “Các cậu xem kìa, bạn ấy không có ống màu !” Thầy giáo vội bước tới dặn các em không được chê cười bạn, nhưng lũ trẻ vẫn cứ nhìn Viên Viên như nhìn một người ngoài hành tinh. Tôi thật sự lo con gái mình không chịu đựng nổi tình trạng ấy. May sao lần này thì Viên Viên nói to: “Nhưng mà tớ có cặp sách đẹp nhất đây này !” Nói rồi cháu tháo chiếc cặp đeo sau lưng xuống, giơ cao lên đầu. Tất cả các phụ huynh đều thấy đây đúng là chiếc cặp sách đẹp nhất và đắt tiền nhất lớp. Nhìn thấy con ứng xử như thế, tôi vững dạ hẳn lên. Lần này Viên Viên thắng to rồi, một điềm tốt đây !

Ngay từ những ngày học đầu tiên, Viên Viên đã tỏ ra giỏi nhất lớp. Trong khi các bạn khác còn chưa đếm được từ 1 đến 10 thì Viên Viên đã biết làm 4 phép tính. Trong khi nhiều bạn bắt đầu học từ chữ cái abc đầu tiên thì Viên Viên đã có thể đọc thơ lưu loát bằng tiếng Thụy Điển. Cô giáo phụ trách lớp là Ma-rin rất mến Viên Viên, trước đây cô đã từng theo chồng sang Trung Quốc mấy tháng khi chồng làm việc ở Công ty Hoá dầu Liêu Ninh. Giờ lên lớp, khi có vấn đề nào các em khác không trả lời được, cô đều gọi Viên Viên trả lời thay.

Hồi ở Trung Quốc, Viên Viên đã học qua lớp hội hoạ nên cháu có thể vẽ được đủ thứ người, vật, cảnh, trong khi nhiều bạn ở đây còn chưa biết cầm bút vẽ. Bức tranh nào của cháu cũng được thầy giáo mỹ thuật lấy làm mẫu để giảng cho các học sinh khác, sau đó đem treo trong phòng dạy vẽ của nhà trường.

Lòng tự tin của Viên Viên được phát huy, cháu trở nên cởi mở, hoạt bát, được chọn là đại diện duy nhất của khối lớp 1, thường thay mặt khối phản ánh ý kiến của học sinh đối với nhà trường. Cô Ma-rin rất vui, gọi điện thoại cho tôi khen: “Con gái bà rất xuất sắc, rất đáng yêu !”

Hai năm Viên Viên lớn lên ở Thụy Điển, tôi càng nhận thức rõ sự khác biệt về quan niệm giữa phương Đông với phương Tây. Tại đây, người ta chú trọng cạnh tranh, dùng thực lực để chứng minh tất cả. Khi còn ở nhà trẻ, vì không có thực lực nên Viên Viên bị thiệt nhiều quyền lợi; nhưng khi lên tiểu học, vì có thực lực mạnh nên cháu được hưởng mọi thứ xứng đáng được.

Trong kỳ thi trước lễ Giáng Sinh, Viên Viên là học sinh duy nhất trong trường đạt điểm tối đa tất cả các môn. Hôm họp phụ huynh sau kỳ thi, cô Ma-rin phát biểu khen ngợi Viên Viên và ngỏ ý mong các vị phụ huynh dạy con mình noi gương Viên Viên. Tôi thấy các phụ huynh nhao nhao trao đổi bàn tán với nhau. Thấy thế, cô Ma-rin gọi Viên Viên lên bục, và nói: “Xin quý vị nói tên bất kỳ một bài thơ nhi đồng nổi tiếng nào, cô bé này sẽ lập tức đọc bài thơ đó cho quý vị nghe.” Có hai phụ huynh ra hai đề, Viên Viên đọc thuộc lòng ngay hai bài thơ đó với giọng trong trẻo lưu loát. Cô Ma-rin lại đề nghị các phụ huynh ra đề toán phép nhân số có 2 con số, Viên Viên cũng trả lời đúng tất. Mọi người tán thưởng vỗ tay nhiệt liệt.

Hai năm Viên Viên lớn lên ở Thụy Điển, tôi càng nhận thức rõ sự khác biệt về quan niệm giữa phương Đông với phương Tây. Tại đây, người ta chú trọng cạnh tranh, dùng thực lực để chứng minh tất cả. Khi còn ở nhà trẻ, vì không có thực lực nên Viên Viên bị thiệt nhiều quyền lợi; nhưng khi lên tiểu học, vì có thực lực mạnh nên cháu được hưởng mọi thứ xứng đáng được. /.

Huy Đường, theo tạp chí Tri Âm (Trung Quốc)- Đăng trên Tiasang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét