Quyền được thông tin là một quyền hiến định của công dân. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Thế nhưng...
Các quyền hiến định này phải được quy định bằng các luật cụ thể. Hàng chục năm sau khi hiến pháp được thông qua vẫn chưa có các luật như vậy về các quyền được hiến định này. Đã có luật báo chí, nhưng đấy không phải là luật về quyền tự do báo chí được nêu trong hiến pháp. Các luật và quy định liên quan đến các quyền khác cũng như vậy. Đấy là một món nợ lớn của cơ quan lập pháp với nhân dân, với đất nước. Để xây dựng nhà nước pháp quyền, để đạt mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh” cơ quan lập pháp phải tập trung làm ra các bộ luật cơ bản tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều người, trong đó có người viết này, đã đề xuất phải sớm có các luật về các quyền được hiến định. Nghe nói đang có dự án xây dựng luật về quyền được thông tin của người dân. Đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Thông tin là tài sản, là nguồn lực. Quyền sở hữu thông tin là một quyền tài sản. Có thông tin riêng tư thuộc về một người, một tổ chức, do họ sở hữu. Quyền sở hữu thông tin cũng như tính riêng tư của thông tin phải được pháp luật bảo vệ. Cũng có những thông tin mà chủ sở hữu công bố công khai và tất cả mọi người đều có thể sử dụng.
Công dân (kể cả các tổ chức có tư cách pháp nhân) phải có quyền nhận được thông tin liên quan đến, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động của họ. Thông tin đó có thể là về một công ty, về một tổ chức, thậm chí về một cá nhân (như lai lịch tư pháp, lai lịch tín dụng của một người). Có những thông tin mang tính riêng tư mà không ai có quyền xâm phạm nếu không được người chủ cho phép. Nhưng có những thông tin về một tổ chức, một cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người khác thì phải có cơ chế, quy tắc cho những người có thể bị ảnh hưởng có thể tiếp cận đến. Thí dụ người cho vay cần có thông tin về lai lịch tín dụng của người đi vay. Tổ chức tốt một hệ thống thông tin tín dụng như vậy là một điều kiện cần cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, phần tiếp theo trong bài viết này chỉ đề cập đến thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” nên công dân phải được thông tin trung thực kịp thời về hoạt động, chính sách, chủ trương của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan “của mình”, “vì mình”. Đấy là quyền của công dân, họ có quyền đòi hỏi (chứ không phải xin) cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp (chứ không phải ban phát). Đấy là nguyên tắc. Chừng nào người dân, các tổ chức, các cơ quan nhà nước chưa thấu hiểu và thực hành tốt nguyên tắc này thì chẳng bao giờ quyền hiến định được đảm bảo đầy đủ.
Người ta có thể vin vào các lý do an ninh quốc gia, bí mật nhà nước để hạn chế việc cung cấp thông tin. Phải quy định rõ, rành mạch những vấn đề này cũng như thời hạn “giải mật” và các thủ tục rõ ràng nhằm ngăn chặn các quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước sự lạm dụng các lý do “an ninh quốc gia” hay “bí mật quốc gia”. Ngoài các thông tin “mật” được quy định rất rõ ràng này, với thời hạn “giải mật” cụ thể mà người dân chỉ có thể tiếp cận được một cách gián tiếp thông qua các đại diện (được bầu hay được bổ nhiệm) có thẩm quyền của mình (các ban của quốc hội chẳng hạn) trước thời hạn “giải mật” thì người dân phải được quyền tiếp cận đến tất các thông tin khác của các cơ quan nhà nước. Cách tiếp cận có thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai (càng nhiều càng tốt) hay được tiến hành theo những thủ tục rất đơn giản, dễ dàng đối với mọi công dân (phạm vi của loại thứ hai này càng hẹp càng tốt).
Có quy định rõ ràng thì việc thực thi mới nghiêm túc và người dân mới có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước một cách hữu hiệu. Phải buộc các quan chức và viên chức nhà nước, cả ở trung ương lẫn địa phương, chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, đồng thời giáo dục công dân rằng họ có quyền làm bất cứ thứ gì mà pháp luật không cấm. Có sự bất đối xứng (tự do hơn cho người dân, hạn chế hơn đối với quan chức và cơ quan nhà nước) ở đây giữa người dân và quan chức. Có những loại thông tin đối với người dân thường là thông tin riêng tư, nhưng đối với quan chức cũng thông tin ấy lại phải công khai (hoặc phải khai báo và bất cứ ai quan tâm có thể tiếp cận được). Chỉ những người chấp nhận sự bất đối xứng được luật hóa này mới có thể làm việc trong bộ máy nhà nước (tức là nếu vi phạm phải bị kỷ luật và có thể bị sa thải). Làm được vậy thì họ mới thực sự là “công bộc” của dân, mới thực sự “phục vụ” dân. Nhưng nếu thế, ai dại gì mà đi làm quan chức? Đổi lại họ có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá, được coi trọng, được vinh danh, v.v. Tất cả những thứ đó phải được luật hóa. Nếu không được luật hóa một cách rõ ràng và thực thi một cách nghiêm minh thì tham nhũng tràn lan và việc chống tham nhũng không có kết quả, không có nhà nước trong sạch và đất nước không thể phát triển lành mạnh được.
Có loại thông tin mà các cơ quan nhà nước thu thập hay đưa ra về các công dân của mình (kể cả về các tổ chức có tư cách pháp nhân) thí dụ như thông tin về điều tra dân số, nhận xét của công an hay cơ quan thi hành pháp luật khác, v.v. Những thông tin đó phải được công khai, hay chí ít phải cho các đương sự (hay người đại diện của họ như luật sư chẳng hạn) biết và có ý kiến phản hồi một cách công khai nếu họ muốn. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của quyền được thông tin và phải được luật hóa. Chỉ có thế thì thông tin mới chính xác hơn, đỡ méo mó. Chỉ có thế mới hạn chế được sự lạm dụng quyền lực, mới có thể vạch mặt những kẻ “ném đá dấu tay”. Chỉ có thế mới làm cho pháp luật được nghiêm minh và góp phần củng cố niềm tin, đỡ gây tâm lý nghi kỵ. Thông tin chính xác, pháp luật nghiêm minh, niềm tin được củng cố đó là những nhân tố tối quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Còn nhiều khía cạnh khác của luật về quyền được thông tin của công dân mà do hạn chế về độ dài nên bài này chưa thể đề cập đến. Hy vọng có thể tiếp tục thảo luận một cách xây dựng và công khai.
Nguyễn Quang A
Báo Lao Động cuối tuần số 6 từ 6-8/2/2009 đã đăng bài này dưới nhan đề “Quyền được thông tin của người dân”, song cũng đã cắt bỏ đoạn thứ nhì và vài câu chữ khác. (Đây là bản gốc)
www.diendan.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét