Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

Cảnh giác với đầu tư gián tiếp

Minh họa: NOP
Câu chuyện lạm phát đã được bàn đến nhiều trong mấy tháng qua. Hậu quả của lạm phát là đã rõ. Chẳng khác gì con virus trong cơ thể con người, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì nó sẽ hoành hành làm tê liệt toàn thân.

Còn trong cơ thể kinh tế, con virus này có khả năng làm cho tiềm năng phát triển đất nước bị suy kém dẫn đến tình hình không còn khả năng “cất cánh”.

Nguyên nhân của lạm phát cũng đã được nói đến nhiều. Về mặt lý thuyết, các phân tích nguyên nhân đều đúng. Từ giá xăng dầu, lương thực tăng nhanh đến việc các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) gián tiếp đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư, cũng như trực tiếp vào dự án, đến việc khó nhận diện hơn như việc “nhập khẩu lạm phát” từ Trung Quốc. Nhưng lạm phát của chúng ta hiện nay không phải là vấn đề có tính đột biến mà một vài “công cụ” có thể giúp thoát nguy. Cơn nguy lạm phát hiện nay là hậu quả của một hệ thống không có khả năng đối phó với những thách thức của vận hội mới, của giai đoạn “ra khơi” hội nhập toàn cầu.

Đầu tư nước ngoài mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế lâu nay như chúng ta đã thấy nhưng đồng thời cũng là nguy cơ lớn nhất mà chúng ta đang phải đối đầu. Con dao hai lưỡi này nếu biết sử dụng và có cơ hội sẽ tạo ra những giá trị có hiệu ứng xã hội cao, thì đó là mặt tích cực. Nếu không được như vậy thì chính nó là lưỡi dao cực kỳ nguy hiểm có thể làm đứt tay người sử dụng, làm chảy máu, cạn lực. Hoàn cảnh này đã từng xảy ra với các nước chậm phát triển và thường thì các nhà lãnh đạo yếu kém của các nước này kêu gào đây là biến tướng của chế độ “thực dân mới” để biện hộ cho sự bất lực của họ đối với người dân sau khi sự đã rồi.

Với chế độ thực dân cũ, hình ảnh tiêu biểu là một ông chủ thô bạo, phè phỡn làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lao động. Đây là hình ảnh dễ gây phẫn nộ trong người dân bản địa. Hình ảnh của thực dân mới hoàn toàn ngược lại: sang trọng, chuyên nghiệp, bài bản, tuân thủ triệt để luật chơi theo thỏa thuận và rất hồn nhiên. Thực dân cũ chủ trương giữ cho dân sống èo uột để dễ trị. Thực dân mới cho ta cái ảo giác sung mãn, sang trọng vì đã được hội nhập vào cuộc chơi với người sang, đưa ta vào cơn nghiện tán gia bại sản nếu ta thiếu bản lĩnh. Hiệp định WTO đã đưa ta vào một vòng xoáy mới với nhiều ràng buộc về luật chơi. Chúng ta đã quan tâm nhiều đến những biện pháp làm sao để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh mà hình như lờ đi những ràng buộc vô hình khác cho phép tự trói mình.

Đã hơn 20 năm chúng ta quen xem đầu tư nước ngoài như một cứu cánh để thoát nghèo và lối suy nghĩ này đã trở thành một quán tính. Chúng ta tận dụng mọi cơ hội để kêu gọi đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Chỉ mới đây thôi, Nhà nước còn đứng ra vay mượn vốn nước ngoài cho một số công ty quốc doanh làm ăn không hiệu quả. Nhưng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế đời thường, chúng ta có thể đưa đồng vốn từ ngoài vào để khởi động nhưng cũng phải nhanh chóng vượt ra khỏi sự lệ thuộc vào nó để khẳng định được tính độc lập (kinh tế cũng như chính trị).

Nguồn vốn nước ngoài đáng lẽ vào thời điểm sau 20 năm đổi mới chỉ còn một chỗ đứng khiêm tốn trong bài toán phát triển đất nước của chúng ta, thế nhưng tình trạng còn bị lệ thuộc vào nó như hiện nay cũng đồng nghĩa với mất độc lập và quyền quyết định vận mệnh của mình. Chỉ trong vòng hơn một năm từ ngày trở thành thành viên của WTO, giờ đây chúng ta đã đứng trước một nguy cơ đánh mất chủ quyền kinh tế có lẽ chưa từng có trong lịch sử phát triển đất nước.

Các nhà ĐTNN đang rút ruột đồng tiền dành dụm của dân ta qua cuộc chơi chứng khoán, lên đến hàng chục tỉ USD. Đến khi sức đầu tư trong nước bị hút cạn kiệt thì các nhà ĐTNN sẽ bỏ đi với những khoản lợi khổng lồ, để lại đằng sau một tình hình bi đát: đồng tiền mất giá, sức cạnh tranh tàn lụi, không còn đồng vốn để làm lại cuộc đời, người trong nhà bây giờ trở lại tranh giành khốc liệt với nhau những gì xương xẩu còn lại.

Có thể nói, chơi Chứng khoán Việt Nam cũng như đánh bạc, đặc biệt chúng ta đang chơi một cách “không giống ai cả”. Đánh bạc là một cuộc chơi mà trong đó người chơi chịu một rủi ro tương đối cao và về lâu về dài rất khó lấy lại phần thắng. Mặc dù có thể lý giải về hiện tượng này, nhưng nhà đầu tư nhỏ nào cũng cho rằng đây vẫn là một canh bạc chưa có hồi kết. Rõ ràng có một sự khác nhau khá lớn giữa canh bạc này ở Việt Nam và ở các nước, như Mỹ chẳng hạn.

Ở Việt Nam, canh bạc được chơi trong phòng kín, người đầu tư (góp vốn cho các tay chơi) không hề biết ai chơi ra sao, ai thắng ai thua, và khi nào đến hồi kết. Còn ở Mỹ, canh bạc ở một thị trường chuẩn mực hơn, là một canh bạc “mở”, mọi người được đứng chung quanh để xem. Vậy mà ở Las Vegas người chơi xì-dách chỉ có cơ hội thắng dưới 30% và hiếm có ai làm giàu bền vững từ đánh bạc. Suy cho cùng chơi chứng khoán ở đâu cũng là đánh bạc cả (ngay cả ở Mỹ), chỉ có khác là ở mức độ chủ động tương đối của người chơi và kết quả đầu tư.

Ở Việt Nam, khi có sự mất cân bằng giữa cung và cầu cổ phiếu trên TTCK, một số vốn lớn nhàn rỗi trong dân (hàng tỉ USD, thường được gọi là “tiền lâu nay được cất dưới gầm giường” - “money under the mattress”) bây giờ mới có cơ hội đầu tư chính thức qua một phương tiện được đa số chấp nhận là TTCK. Môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã bắt đầu tạo cơ hội dễ dàng cho một số nhà ĐTNN (dù chỉ mới là những nhà đầu tư cơ hội nhỏ) có thể tham gia. Những yếu tố này đã làm cho TTCK trong nước đột biến khởi sắc, kích động mạnh lên tâm lý bầy đàn của đa số người đầu tư.

Trên thương trường, người thắng cuối cùng bao giờ cũng là người có đủ thế lực để gây ảnh hưởng đến cuộc chơi, và là người có thông tin nhiều hơn đại đa số. Trong cuộc chơi này, những nhà ĐTNN đang cầm con bài tẩy. Đây là những nhà đầu tư cơ hội ngắn hạn. Khi họ đã đạt được một chỉ số lợi nhuận nhất định thì họ sẽ “rút” vì cái có được từ việc chấp nhận rủi ro sẽ không tương xứng với lợi nhuận có thể kiếm thêm nếu tiếp tục ở lại. Đó là những người đánh bạc khôn ngoan, họ có khả năng tạo nên thị trường và chủ động được nó, biết dùng cái đầu để trục lợi từ những người a dua không biết tính toán.

Khi những nhà ĐTNN rút ra khỏi cuộc chơi thì một số nhà đầu tư lớn trong nước sẽ theo bước. Kết cuộc, nhà đầu tư nhỏ chậm chân sẽ là những người chung tiền cho cuộc chơi, ngoại trừ một số nhỏ đã cao chạy xa bay trước, đã bán cổ phiếu để mua nhà đất, lấy vốn ra làm ăn lâu dài. Cụ thể, các nhà ĐTNN cứ tiếp tục nhồi giá; giá lên khi họ mua, kéo theo những khoản tiền của những nhà đầu tư nhỏ muốn ăn theo nhiều gấp 2-3 lần số tiền họ đã đầu tư. Đến đỉnh họ bán, lấy lời, đợi giá rớt đến đáy họ mua vào, tiếp tục chu kỳ mua bán mà họ chủ động.

Các nhà ĐTNN này lại được sự tiếp sức của đồng đôla Mỹ đang mất giá. Họ đang thu gom đồng đôla Mỹ với giá rất bèo ở ngoài (lãi suất 4-5%/năm), vào Việt Nam đổi ra tiền đồng rồi đưa vào quỹ tiết kiệm kiếm lãi 11%/năm, lãi suất chênh lệch lên đến 6-7%, trong khi họ không phải chịu một rủi ro tỷ giá nào cả nhờ vào các chủ trương neo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lâu nay.

Có thể hình dung một lượng vốn rất lớn (lên đến vài trăm ngàn tỉ đồng) đang được tích lũy cho cuộc tổng công kích mới khi thị trường Chứng khoán đã tuột đến đáy. Lúc đó VN-Index sẽ được đẩy lên lại vượt ngưỡng 1.000 điểm; các đại gia buôn tiền có dịp lại bán ra, thu lời, làm rớt giá. Các nhà đầu tư nhỏ sẽ hết vốn, cạn lực, canh bạc đến lúc tàn. Khi ấy các đại gia sẽ tung nguồn lợi khổng lồ đang giữ bằng tiền đồng ra thị trường để mua vào tiền đôla Mỹ rồi đi sang một canh bạc khác màu mỡ hơn. Với lượng tiền đồng khổng lồ này xuất hiện trên thị trường, vượt ngoài lực cản của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có khả năng xuất hiện siêu lạm phát.

Trước một thế bị động như hiện nay, bài giải không hề đơn giản, ngay cả khi cả Nhà nước và nhân dân đều ý thức nỗi nguy và đồng lòng hợp sức thoát nguy. Ác thay, một phần lợi nhuận khổng lồ từ buôn tiền đã có tác động làm tê liệt hệ thần kinh báo động và ứng xử nhanh chóng của hệ thống. Cơn bão đang ập đến nhanh. Sống còn của ta tùy thuộc vào nội lực của chúng ta, tùy thuộc vào sự tỉnh táo chuẩn bị đối phó để hy vọng còn sức gượng dậy sau cơn bão.

Theo TRẦN SĨ CHƯƠNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Đăng lại trên diễn đàn Vietstock

Cái này giống nội dung bài "Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu?" quá. Có khác là một bài không được phổ biến, còn cái này lại đăng công khai. Một sự thật không thể chối cãi rồi chăng? Đọc mà bủn rủn chân tay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét