Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

Phải chăng người ta nhạo báng công lý?



Ông Nguyễn Việt Tiến
Viện KSND tối cao quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Nguyễn Việt Tiến hôm 28-3
Tin cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Việt Tiến, bị cáo trong vụ PMU 18, được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đình chỉ điều tra và trả tự do khiến dư luận sững sờ.

Nhớ ngày nào vụ án vừa bị phanh phui, cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc với kết luận điều tra ban đầu rất ấn tượng, đến nỗi báo chí đã không ngần ngại đồng loạt đưa tin như thể Nguyễn Việt Tiến đã là kẻ phạm tội 100% dù lúc ấy tòa án chưa mở phiên xét xử nào với bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

Đọc tin tức khi đó, tôi không khỏi ái ngại cho Nguyễn Việt Tiến và các bị can khác. Sự thật thế nào chưa rõ, chỉ thấy dư luận nhìn họ chẳng khác những tử tội chờ ngày lên đoạn đầu đài. Ở xứ ta là vậy, tòa án công luận luôn dẫn đường tòa án tư pháp. Bị can luôn bị “kết tội” trước bằng các chứng cứ được báo chí tường thuật, hơn là chờ đến những chứng cứ giấy trắng mực đen được phân tích tại một phiên tòa, trong đó quyền biện hộ được bảo đảm.

Niềm tin

Dù vậy trong vụ PMU 18 báo chí làm sao có được sự tự tin cần thiết khi đưa tin nếu không được cung cấp đầy đủ tình tiết và được bảo đảm hầu như tuyệt đối từ phía các cơ quan điều tra và công tố? Báo chí ắt hẳn đã dành trọn niềm tin vào tính chính xác và khách quan vô tư của các cơ quan thực thi luật pháp này để kịp thời thông tin cho người dân. Chính những cơ quan này, bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình, phải xây dựng nên cơ sở pháp lý và chứng cứ vững chắc đủ để khởi tố và truy tố không sai lầm các bị can trước vành móng ngựa.

Về phía tòa án, đối với những vụ án “nhạy cảm” kiểu như vậy, các thẩm phán khi xét xử ắt hẳn cũng đã đặt trọn niềm tin và danh dự vào kết quả thu thập chứng cứ và kết luận điều tra của các cơ quan điều tra và công tố. Trên thực tế, thẩm phán không thể mở rộng điều tra bên ngoài hồ sơ vụ án do những cơ quan này đã lập và đệ trình mà không có sự hỗ trợ từ họ.

Tất nhiên, nếu cơ sở pháp lý mà VKSNDTC đưa ra để giải thoát Nguyễn Việt Tiến khỏi ba tội danh cáo buộc trước đây hoàn toàn vững chắc thì ông này xứng đáng được luật pháp bảo vệ, đồng thời quyền tự do và danh dự cá nhân của ông cần phải được tái lập. Tuy nhiên, trong sự việc này một số câu hỏi sau đây cần phải được giải đáp thỏa đáng hầu rút tỉa kinh nghiệm quý giá cho những vụ án tương tự, nếu có, trong tương lai.

Trông mong công lý?

Thứ nhất, trong suốt thời gian công luận lên tiếng về vụ PMU 18 cách đây hai năm, VKSNDTC chẳng lẽ đã không quan tâm hoặc giám sát đúng mức sự việc hầu kiến nghị hoặc chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành chức phận một cách nghiêm túc và cẩn trọng hay sao, để giờ đây khi mọi việc đã yên ắng, bỗng mở lại hồ sơ nhằm ban tặng tự do cho “kẻ tội đồ” một thời?

Giữa cơ quan điều tra trước đây và VKSNDTC hiện giờ ai đúng ai sai trong nhận định và kết luận về ba tội danh của Nguyễn Việt Tiến?

Giữa cơ quan điều tra trước đây và VKSNDTC hiện giờ ai đúng ai sai trong nhận định và kết luận về ba tội danh của Nguyễn Việt Tiến? Làm sáng tỏ điều này sẽ giúp củng cố thanh danh của ngành tư pháp Việt Nam, tránh mọi đàm tiếu bất lợi về lối bắt người vô tội vạ và thả người thoải mái mà dư luận vẫn râm rang bấy lâu.

Thứ hai, trong nội dung trả lời phỏng vấn VnExpress đăng ngày 26/3/2008, Viện phó VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai nhận định đại ý rằng vụ án PMU 18 được khởi tố trong bối cảnh thông tin hoàn toàn bất lợi cho ông Nguyễn Việt Tiến vì ngoài chứng cứ pháp lý, còn có cả yếu tố dư luận, do đó việc phê chuẩn khởi tố là không tránh khỏi.

Hãy hình dung bức tranh về nền công lý nước ta, trong đó việc khởi tố bắt giam một cá nhân, dù người đó có thể vô tội, được thực hiện không đơn thuần dựa trên luật pháp và chứng cứ, mà còn dựa chủ yếu vào dư luận. Đọc những lời chân thành của ông Hoàng Nghĩa Mai như vậy, tôi không khỏi rùng mình ngán ngẩm vì tự do cá nhân của công dân sao lại mong manh thế! Nói nôm na, người ta có thể ở tù vì dư luận, chứ không phải vì có tội theo luật định. Vậy còn bao nhiêu người đang trong vòng lao lý như thế mà VKSNDTC chưa mở lại hồ sơ để trả công lý cho họ?

Và đến bao giờ người dân mới có thể trông mong và vững tin vào một nền tư pháp độc lập nơi mà mỗi quyết định của các cơ quan thực thi luật pháp và tòa án đều có sức nặng ngàn cân của công lý và không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố ngoại lai nào không thuộc phạm trù pháp lý? Nếu ông Nguyễn Việt Tiến là oan sai thực sự, thì phải chăng người ta đã và đang nhạo báng công lý?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét