Nếu như vài năm trước, tình trạng chạy đua thành tích trong các ngành, tất nhiên cả trong ngành giáo dục đã diễn ra như 1 điều hiển nhiên. Chính nguyên bộ trưởng GD khi đó là ngài Nguyễn Minh Hiển cũng đã khẳng định trên diễn đàn quốc hội về việc cả xã hội đi thi, và việc có kết quả trung thực trong thi cử là điều không tưởng!? Một nỗi bức xúc của nhiều người trong toàn xã hội (có thể trừ những người có con đang học dốt...) kéo dài dai dẳng trong sự tuyệt vọng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhu cầu được học thật, thi thật thường xuyên được nêu ra.
Thế rồi có sự thay đổi lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân với năng lực và sự nhiệt tình của mình đã bước đầu thực hiện được "điều không tưởng" mà người tiền nhiệm nêu ra. Bây giờ đến lượt xã hội lại bị sốc với kết quả thể hiện. Học sinh thi trượt quá nhiều, chất lượng làm bài quá thấp vì trò phải tự lực làm. Đặc biệt trong không khí hưởng ứng vận động "2 không" tích cực, nhiều cậu ấm của các VIP cũng phải ngậm ngùi (chắc là trừ VIP thứ thiệt). Hệ quả tất yếu diễn ra là những kẻ không thể học được, không có tí kiến thức lận lưng khó mà vượt qua các ải thi cử sẽ chán nản , bố mẹ thì cũng thấy ít hy vọng trên phương diện ngoại giao --> bỏ học. (cũng phải nói thêm là: 1.việc học , thi đúng thực chất đang thể hiện trong 1 số kỳ thi quốc gia, chứ còn trong học tập, thi cử tại các cơ sở thì đa số vẫn đều như cũ, thậm chí trò hề học nghề phổ thông vẫn đang diễn ra công khai trên toàn quốc, thí sinh đạt vài điểm vẫn vào đại học còn nhiều 2. Một số giáo viên còn lợi dụng tình hình mà" đè" học sinh không thương tiếc 3. Việc đời sống kinh tế khó khăn và chương trình SGK quá nặng cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến học sinh bỏ học.) Và thế là mấy tháng gần đây lại rộ lên chuyện học sinh bỏ học. Nhiều ý kiến yêu cầu phải đưa học sinh trở lại trường bằng mọi giá. Những nguyên nhân cơ bản chưa được giải quyết thì người ta lại muốn nhảy vào cuộc đua thành tích mới, rồi lại báo cáo láo...Họ đang muốn gì nữa đây?
Dưới đây có lẽ là một ý kiến dám được nói thẳng ra từ lãnh đạo giáo dục các tỉnh
Năm học này, 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng có gần 10.000 bỏ học do yếu kém, gia đình khó khăn, sách giáo khoa nặng... Một số lãnh đạo Sở Giáo dục nhận định, việc học sinh yếu kém bỏ học là điều đáng mừng vì đây là dấu hiệu của sự phân luồng.
> Học sinh miền núi bỏ trường vì học không nối
Sáng nay, Hội nghị Giao ban "Hai không" lần 3 của 10 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, diễn ra tại Hà Tây.
Bộ GD&ĐT cho biết, dẫn đầu khu vực là Hà Tây, với hơn 1.800 em bỏ học. Tiếp đến là Nam Định với gần 1.400 em, Hải Dương gần 1.300 em, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Hưng Yên hơn 1.000 em, Bắc Ninh gần 900 em, Thái Bình hơn 500 em, Hà Nam hơn 300 em và Hà Nội hơn 500 em.
Những học sinh này chủ yếu tập trung ở bậc THCS, THPT và bổ túc THPT. Số trẻ tiểu học bỏ học rất ít. Ví dụ, Hà Nam: 9 em, Hà Nội và Nam Định: 5 em...
Học sinh ngoại thành Hà Nội sau giờ học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lãnh đạo các Sở GD&ĐT nhận định, đa phần các em bỏ học là do học lực kém, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chương trình, sách giáo khoa nặng... Ngoài ra, tình trạng phát triển Internet, trò chơi điện tử, nhiều em không có quyết tâm vươn lên... cũng là lý do để học sinh nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình hoặc chuyển sang học nghề.
Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Ngô Thành Hưng cho biết, mới nghe thì con số hơn 1.000 học sinh của tỉnh bỏ học quả là đáng giật mình nhưng tính tỷ lệ thì lại không cao và phải vui mừng vì điều này.
"Học sinh trung học và bổ túc có gần 900 em bỏ học. Chúng ta phải vui mừng chứ không đáng ngại. Các cháu không học được thì phải bỏ, chuyển sang học nghề. Đây chính là phân luồng dù hơi chậm", ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng cho biết, Ninh Bình vừa quyết định thành lập các trường dạy nghề (mỗi trường 16,5 tỷ đồng) cho thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, sau đó sẽ đến lượt các huyện còn lại.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng cho rằng, với quy mô hơn 160.000 học sinh thì việc hơn 1.800 em (1.200 học sinh THPT) bỏ học cũng là điều bình thường. Theo đó, cần phải phân luồng tốt hơn để khoảng 30% học sinh THPT chuyển sang học nghề.
Là tỉnh đồng bằng có 15 xã miền núi, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nam Nguyễn Quốc Tuấn, nhận định, chương trình và sách giáo khoa có nhiều bất hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán học. Còn ông Hưng thì đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu tổng thể để hoàn thành bộ sách giáo khoa dùng trong nhiều năm.
Ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại đưa ra kinh nghiệm kéo học sinh bổ túc THPT ở lại trường. Theo đó, 5 năm qua, Vĩnh Phúc cho học sinh bổ túc được học thêm nghề dài hạn, được hỗ trợ kinh phí 60.000 đồng/tháng. Kết quả là năm qua, gần 100% học sinh bổ túc được học nghề.
Tiến Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét