Buôn Ma Thuột xôn xao chợ mới
TP- Một dự án xây chợ mới văn minh hiện đại đang triển khai, dự kiến khánh thành nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Buôn Ma Thuột.
Phối cảnh chợ mới BMT |
Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là đô thị loại II từ đầu năm 2005.
Không xứng tầm với đô thị ngày càng khang trang đẹp đẽ này, khu chợ trung tâm thành phố xây dựng từ hơn 20 năm trước đang không ngừng xuống cấp lạc hậu, cũ kỹ. Chớm mưa sình lầy nhớp nháp, mùa khô ngột ngạt bụi mù. Lối đi bị lấn chiếm chật chội, bể nước cứu hỏa khô khốc, bao lời cảnh báo phòng chống cháy nổ cũng bằng thừa!
Nhu cầu xây chợ mới chậm được đáp ứng do thiếu nguồn ngân sách và chưa có phương thức hữu hiệu hợp lý để triển khai. Từ năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra thông báo giao cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột (TP BMT) làm chủ đầu tư chợ trung tâm theo hình thức BT ( xây dựng- chuyển giao).
Theo đó, UBND TP BMT cho thi tuyển kiến trúc, lập phương án đền bù, tiến hành kêu gọi đầu tư bằng cách gửi thư mời đến một số đối tác, lập tờ trình số 168 “ tiến cử” đơn vị duy nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và kinh doanh chợ BMT, đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép Cty vừa được thành lập này được xây dựng chợ BMT theo phương thức BO (đầu tư-kinh doanh). Ngày 30/10/2006, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn đồng ý !
Như vậy, quá trình chuẩn bị cho việc xây chợ đã có một khoảng thời gian khá dài để triển khai. Tuy nhiên, để mọi việc suôn sẻ thì chính quyền phải tạo được sự đồng thuận về phương án đền bù, tái định cư từ các hộ tiểu thương có quyền lợi liên quan.
Nhiều cuộc họp lớn nhỏ đã được tổ chức nhưng sự thiếu rõ ràng nhất quán trong công tác điều hành đã làm nảy sinh phản ứng, bất bình.
Từ giữa năm 2007 đến nay, nhiều hộ trên tổng số 118 hộ dân ở chợ đã liên tục khiếu nại đến báo Tiền phong về cách làm “thiếu công bằng, minh bạch” của chính quyền địa phương. Nội dung chính xoay quanh những vấn đề sau:
1. Hàng năm tỉnh đều ban hành khung giá đất, Ban giải tỏa đền bù không sử dụng khung giá này mà tham mưu ra bảng giá mới cao hơn, đòi đền đất cũ giá nào thì tính đất mới giá đó.
Hàng trăm hộ ở vị trí cũ diện tích bình quân 20-30 m2, sắp tới chuyển sang lô tái định cư diện tích gấp 3-5 lần, nhiều lô áp giá 40 triệu đồng/m2, tức nhận đền bù có mấy trăm triệu đồng mà nộp tiền đất mới đến mấy tỉ đồng, tiền đâu mà đóng?
2. Cách áp giá đền bù chưa công bằng thoả đáng. Có đoạn phố nhiều năm qua người dân khổ sở vì chính quyền không giải tỏa nổi nạn họp chợ tràn lan trước nhà họ, nay lại tiếp tục bị định giá thấp hơn đoạn phố thông thoáng.
3. Trong tổng số 118 hộ phải di dời, có một số hộ không được bố trí tái định cư chỉ vì họ không đăng ký hộ khẩu, dù nơi ở cũ của họ được Nhà nước công nhận chủ quyền sở hữu và họ vẫn thực hiện đủ mọi nghĩa vụ thuế suốt hàng chục năm qua.
4. Bán đất thì tính sát giá thị trường, nhưng đền bù vật kiến trúc thì lại tính theo mức ban hành cũ có 1,1 triệu/1m2 xây dựng, trong khi giá xây dựng mới đã gấp 2-3 lần. Người dân nhận tiền đó làm sao đủ tạo dựng nhà mới?
Kỹ sư Trần Văn Tam - giám đốc CTCPĐTXD&KD chợ BMT cho biết: Chúng tôi không liên quan gì đến việc đền bù giải tỏa.
Giữa năm 2008, sau khi nhận được toàn bộ diện tích 2 khu chợ B, C đã dọn sạch mặt bằng, chúng tôi mới triển khai xây chợ mới theo quy cách 2 khối nhà cấp I, 5 tầng, thiết kế tiện nghi hiện đại và an toàn, dự kiến tổng vốn xây dựng theo thời giá hiện nay khoảng 240 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2010 hoàn tất. Nhận đầu tư công trình này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. May ra từ 12 đến 15 năm sau mới có thể hoàn vốn.
Đại diện báo Tiền phong đặt lại câu hỏi với lãnh đạo TP BMT về những vấn đề trên. Ông Lê Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP xác nhận những điều dân thắc mắc là có cơ sở, tuy nhiên thành phố mới đưa ra ý kiến thăm dò dư luận.
Những gút mắc cần tháo gỡ các bộ phận liên quan sẽ tiếp tục bàn bạc, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh rồi mới quyết định.
Dự kiến sang đầu tháng 5/2008 sẽ bắt đầu dời chợ A sang khu chợ tạm để chia lô cho dân nhận đất tái định cư, tự xây dựng theo quy hoạch thành phố đưa ra.
Hoàng Thiên Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét