Cách đây vài năm, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam rộ lên. Người ta thấy có một sự quyết tâm của chính phủ cũng như một sự khẳng định trình độ KHKT của người Việt. Sau đây là một bài báo vào năm 2003
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến đặt ở Ninh Thuận
Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có thể sẽ được chọn đặt nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở nước ta. Dự kiến nhà máy bắt đầu được xây dựng vào năm 2012, để đến năm 2017 có thể hòa điện lưới quốc gia, với 2 lò phản ứng có công suất tổng cộng 2.000 MW.
Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã thông báo như vậy bên lề Hội nghị các chủ dự án thông tin đại chúng về Năng lượng hạt nhân, diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Địa điểm này được chọn từ 3 khu vực khảo sát trước đó, gồm 2 ở Ninh thuận và 1 ở Phú Yên.
Nghiên cứu của Viện năng lượng nguyên tử VN cho thấy, nhu cầu điện của nước ta đang tăng 17% mỗi năm (trong 3 năm gần đây). Cứ đà này, Việt Nam sẽ nhanh chóng bị thiếu điện, và đến năm 2017-2020 sẽ cần có nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu. Hiện trong các nước Đông Nam Á, chỉ có Indonesia và Việt Nam đang thúc đẩy phát triển điện hạt nhân. |
Trước mắt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ có 2 tổ máy (mỗi lò công suất 1.000 MW), với vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, về sau có thể bổ sung 2-4 lò. Thiết bị cho nhà máy sẽ được nhập khẩu. Các lò phản ứng tiếp theo sẽ từng bước được nội địa hóa, mà đầu tiên là thanh nhiên liệu. Dự kiến khi nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động, điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 6-10% sản lượng điện của cả nước. Song cũng theo ông Tấn, để phát huy tính kinh tế của loại hình năng lượng này, chúng ta phải xây dựng nhiều, chứ không chỉ một nhà máy.
Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, có khi 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Đồng thời, công suất của nhà máy điện hạt nhân cũng rất lớn. Nếu một nhà máy có 6 lò phản ứng, thì tổng công suất sẽ là 6.000 MW, tương đương với tổng sản lượng điện cả nước hiện có.
Vấn đề công chúng lo ngại nhất với loại hình năng lượng này là tính an toàn, gồm an toàn kỹ thuật và rác thải hạt nhân. Tuy nhiên theo ông Tấn, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về mặt kỹ thuật. Các thiết kế tiên tiến trên thế giới đảm bảo rằng xác suất rủi ro là 10-6 (tức là 1 triệu lò phản ứng, mới có một lò có nguy cơ bị sự cố).
Về chất thải, nhà máy điện hạt nhân có hai dạng. Dạng thải phóng xạ thấp (phát sinh từ các phin lọc của lò phản ứng, từ các dụng cụ thay ra...), có thời gian bán rã ngắn, dài nhất 30 năm. Để xử lý, người ta sẽ bê tông hóa chúng, đóng vào các container nhỏ rồi chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ trở lại trạng thái an toàn. Một lò 1.000 MW mỗi năm sẽ thải ra khoảng 800 tấn chất thải loại này, cô đặc lại còn khoảng 10 mét khối.
Loại chất thải đáng lo ngại nhất là nhiên liệu đã cháy. Một lò 1.000 MW thải ra khoảng 30 tấn mỗi năm. Chúng có cường độ phóng xạ cao, và thời gian bán rã rất lâu. Song, từ khi nhiên liệu được thải ra cho đến khi cần xử lý phải mất 40-50 năm. Như vậy, nếu Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, thì phải đến năm 2070, chúng ta mới cần tính đến việc này. Trong thời gian đó, chắc chắn công nghệ xử lý của thế giới đã đi rất xa, và có thể áp dụng cho Việt Nam.
Cũng theo ông Tấn, thực tế chất thải của các dạng phát điện khác đáng sợ hơn nhiều so với chất thải hạt nhân, vì chúng phát tán thẳng vào môi trường, còn chất thải hạt nhân có số lượng nhỏ, lại quản lý được. Chẳng hạn, một nhà máy nhiệt điện chạy than cũng có công suất 1.000 MW, một năm thải ra 320.000 tấn tro bụi, trong đó có 400 tấn kim loại nặng, hít vào người rất nguy hại. Xỉ than của nhà máy cũng có lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với phóng xạ mà những người sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân tiếp xúc. Song người dân không biết, và cũng không phản đối nhà máy đó, trong khi lại tỏ ra rất e dè với nhà máy điện hạt nhân.
Để khắc phục được trở ngại tâm lý này, Viện Năng lượng nguyên tử đề nghị nhà nước công khai các chính sách phát triển, tổ chức các triển lãm, mở cửa cho khách tham quan các cơ sở hạt nhân, như lò Đà Lạt (lò này có thể giảm hoạt động vào năm 2015, phục vụ đào tạo cán bộ là chính)...
Tính kinh tế của các nguồn năng lượng tái tạo ở Nhật Bản(nguồn: Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á)
Loại hình năng lượng | Điện mặt trời | Năng lượng gió | Điện hạt nhân |
Chi phí sản xuất 1 kWh | 66 yen | 10-14 yen | 5,5 yen |
Diện tích xây dựng nhà máy có công suất 1 GW | 67 km2 | 248 km2 | Không đáng kể |
Bích Hạnh
Thế rồi sau gần 5 năm bẵng đi, đến nỗi trong khi trao đổi với các "đệ tử" gần đây, tôi cũng cho ràng không biết việc dự định trên có thành không?! Vì trong thời gian trên có nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia xem ra cũng rất là chí lí
Tuy nhiên, nếu phe ủng hộ cho rằng, hạt nhân là giải pháp bảo vệ môi trường, là cách giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; ngược lại, phe chống đối lại lên án các lò phản ứng nguyên tử là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến chỗ phá hủy môi trường sống... và vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986 đã là giọt nước làm tràn ly.
Góp lời vào cuộc tranh luận này, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết tại Hoa Kỳ nhìn nhận, năng lượng hạt nhân đang được các quốc gia ráo riết tập trung nghiên cứu để tiến đến một công nghệ năng lượng sạch, an toàn, giá thành rẻ, và mang lại nhiều ứng dụng khác, ngoài việc chỉ tạo ra điện năng không thôi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để bảo đảm an toàn, việc xử dụng hạt nhân đòi hỏi nước sở tại phải có một trình độ kỹ thuật cao.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngay sau vụ nổ 26, tháng Tư, 1986, tai nạn hạt nhân mà dư âm kéo dài đến nay.
[AFP]
Điện hạt nhân: Giải pháp tối ưu cho Đông Nam Á ?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Singapore, các lãnh đạo ASEAN đã chính thức ủng hộ chủ trương phát huy năng lượng hạt nhân trong khu vực, bất chấp các dư luận lo ngại về tính chất an toàn của các nhà máy điện nguyên tử tương lai.
Trong bản tuyên bố về vấn đề môi trường ngày 20/11/2007, tổng thống và thủ tướng 10 quốc gia Đông Nam Á cam kết thành lập một cơ chế an toàn hạt nhân trong khu vực để ngăn chặn không cho chất plutonium có thể bị rơi vào tay kẻ xấu. Plutonium là nguyên liệu để sản xuất điện, nhưng có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên, khối ASEAN cũng xác nhận một thực tế là không phải thành viên nào cũng muốn lao vào con đường phát triển năng lượng nguyên tử. Bản tuyên bố nói rõ : Hiệp hội Đông Nam Á sẽ có những biện pháp cụ thể để phát huy năng lượng hạt nhân dân sự cho ''những nước quan tâm đến vấn đề này'', hàm ý là có những quốc gia ASEAN không muốn đi theo hướng phát triển năng lượng nguyên tử.
Nhìn chung thì ASEAN chú ý hơn đến việc phát huy các loại năng lượng tái tạo nhằm thay thế dầu hoả, khí đốt hoặc than vốn tác hại nghiêm trọng đến khí hậu và môi trường. Các loại năng lượng tái tạo được quan tâm bao gồm năng lượng mặt trời, sức gió, thủy triều, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học.
Phải nói là với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hiện nay, các nước Đông Nam Á rất cần đến năng lượng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Họ hiện chủ yếu sử dụng các loại năng lượng hoá thạch như dầu hỏa và khí đốt. Trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh trên thị trường quốc tế, lại có những dự báo bi quan về nguy cơ nguồn cung cấp dầu khí sẽ ngày càng ít đi và nhất là với những bằng chứng hiển nhiên về tác hại to lớn của việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch đối với môi trường và khí hậu, cũng dễ hiểu là Đông Nam Á như mọi quốc gia khác trên thế giới đều tìm cách phát triển các loại năng lượng rẻ, sạch và không sợ cạn kiệt. Điện hạt nhân, do đó, đã được nhiều nước cho là giải pháp tốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Tại vùng Đông Nam Á, hướng phát triển hạt nhân đã được ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonexia xác định, với kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên tử từ đây năm 2020.
Theo thống kê tháng hai năm 2007 của Trung tâm Thông tin về Uranium UIC, thuộc Hiệp hội Uranium của Úc, Indonexia sẽ có tất cả bốn nhà máy điện hạt nhân và ba lò phản ứng thí nghiệm. Việt Nam dự trù hai nhà máy và hiện đang có một lò phản ứng thí nghiệm tại Đà Lạt. Thái Lan cũng dự trù xây thêm một lò phản ứng hạt nhân bên cạnh một lò khác đang vận hành.
Thế nhưng, nếu Việt Nam, Thái Lan, Indonexia đã quyết định lao vào con đường hạt nhân, thì một số nước Đông Nam Á khác có trình độ phát triển cao hơn thì lại không mặn mà với năng lượng hạt nhân, điển hình là Singapore, không hề có bất kỳ cơ sở hạt nhân nào, trong lúc Philippines thì đã quyết định đình chỉ chương trình điện hạt nhân cho dù đã có một nhà máy sẵn sàng hoạt động.
Dẫu sao thì việc toàn khối ASEAN công khai tuyên bố ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân đã bị giới bảo vệ môi trường cực lực chỉ trích. Bà Nur Hidayati, thuộc tổ chức bảo vệ sinh thái Green Peace cho rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vùng Đông Nam Á là liều lĩnh vì khu vực này thường bị hai loại thiên tai : động đất và núi lửa. Nếu sự cố xẩy ra, cả vùng sẽ bị tai họa chứ không riêng gì quốc gia có nhà máy. Bà Hidayati còn đặt nghi vấn về trình độ công nghệ học của các nước Đông Nam Á trong lãnh vực hạt nhân, về năng lực xử lý các chất thải phóng xạ bắt nguồn từ quy trình làm điện nguyên tử. Để có thể xúc tiến chương trình điện hạt nhân, các quốc gia ASEAN sẽ phải lệ thuộc vào nước ngoài, cũng như phải nhập khẩu nguyên liệu. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của các nước Đông Nam Á muốn bảo đảm an toàn năng lượng kể như không thể đạt được. Giải pháp tốt, do đó, không phải là sử dụng năng lượng hạt nhân, mà là phát huy các loại năng lượng tái tạo khác như thủy điện, sức gió, mặt trời hay địa nhiệt. Ngay cả giới chuyên môn trong lãnh vực hạt nhân cũng có thái độ thận trọng.
Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà lạt, thì quả thực là hiện nay, nhu cầu về điện năng tại các nước ASEAN rất lớn, nhưng không phải là nước nào cũng chọn con đường hạt nhân. Trả lòi phòng vấn của Ban Việt ngữ RFI, ông giải thích :
«Các nước ASEAN nói chung đều có nhu cầu phát triển điện năng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi sự khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang rất rõ rệt. Nước nào cũng phải lo cả, nhưng mỗi nước lo một cách. Indonexia, Thái Lan và Việt Nam đã chú ý phát triển ngành hạt nhân từ lâu và cũng có những cơ sở nhất định. Đặc biệt Indonexia, từ thời Suharto, đã chú ý đến chuyện này và đã có những cơ sở hạt nhân rất lớn. Thái Lan chưa bằng nhưng cũng có một quá trình phát triển; Việt Nam đi sau một ít nhưng cũng có một quá trình và điều kiện nhất định.
Nhưng phải nói là so vơí những nước làm điện hạt nhân như Trung Quốc và Ấn Độ, mà trình độ kinh tế, dân trí cao hơn, hoặc ngang bằng với khối ASEAN, thì về nhân lực và nhất là nhân lực có trình độ công nghệ cao, thì cả 3 nước ASEAN kém hẳn.
Cho nên đấy là vấn đề khó nhất mà ba nước này phải đương đầu, chứ thật ra vốn và các thứ khác, thì nước ngoài sẵn sàng cung cấp. Thành ra, khi làm nhà máy điện hạt nhân thì liệu ba nước này có làm chủ được công nghệ nhà máy điện hạt nhân không, đấy chính là câu hỏi lớn nhất cần phải đặt ra.
Không phải chỉ có chuyện tôi có nhu cầu là tôi phải có, mà tôi phải xem xét lại tôi có nhu cầu nhưng đồng thời, tôi có sức để làm chủ được nó hay không. Còn nếu không thì nước ngoài ngưòi ta sẽ làm chủ. Và hậu quả của cái đấy nó như thế nào thì mọi ngưòi đều có thể thấy.
Cho nên đây là một cái lúng túng của Việt Nam mà tôi thấy rõ nhất. Từ bao nhiêu năm nay vẫn không giải quyết được việc làm sao có nhân lực trình độ cao, nhất là về công nghệ để am hiểu chuyện này. Đấy là tình trạng chung của ba nước mà tôi thấy. Có thể là Indonexia khá hơn cả, bởi vì họ có những thiết bị khá lớn từ nhiều năm. Trước đây tôi ở đấy thì tôi biết, gần đây thì không rõ, nhưng chắc là tình hình không cải thiện nhiều».
Về các nước không chọn con đường phát triển hạt nhân, giáo sư Phạm Duy Hiển đặc biệt nêu bật thí dụ của Philippines đã dám lùi bước để chuyển qua địa nhiệt, cho dù cơ sở nguyên tử đã sẵn sàng hoạt động.
«Philippines chẳng hạn là nưóc Đông Nam Á đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân, xây đã gần xong, 90% rồi, nhiên liệu đã đưa về, nhưng họ không cho chạy. Bởi vì có rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp ở đấy. Tôi đã đến thăm và tiếc vô cùng là họ đã làm xong nhưng không cho chạy. Philippines rất đặc biệt. Dân chúng phản đối và chính phủ cũng không đồng tình. Bây giờ, họ bỏ chương trình đấy, nhưng họ có điều kiện là có nguồn điạ nhiệt rất tốt, dạng năng lượng mà chúng tôi hay gọi là năng lượng tái tạo, tức là loại năng lượng cứ thế sinh ra, không mất đi đâu cả. Điạ nhiệt từ dưới lòng trái đất đi lên là cái nguồn lợi rất lớn của Philippines. Nước này có dự định trở thành một trong những nước sản xuất địa nhiệt lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới, mà họ yên trí là có thể làm được việc đấy».
«Việt Nam phải cần xem lại cơ cấu kinh tế của mình. Tại sao lại tiêu thụ nhiều năng lượng như vậy. Thứ hai là vấn đề lãng phí năng lượng. Vấn đề này ở Việt Nam rất rõ, nhưng ít thấy mọi người đề cập đến, mặc dù báo chí chúng tôi cũng có viết, một số người khác cũng có nói, nhưng ít ai quan tâm giảỉ quyết chuyện đó.
Tại sao có một nghịch lý, nhất là cái chuyện mà các nhà chuyên môn gọi là hệ số đàn hồi, tức là tăng trưởng điện năng của Việt Nam gấp đôi tăng trưởng GDP. Đó là một cái chuyện không bình thường, thế giới không có cái chuyện đấy. Trên thế giới, hai mức này thường xấp xỉ như nhau, tức là tốc độ tăng trưởng điện năng ngang với tốc độ tăng trưởng GDP, thậm chí còn thấp hơn. Việt Nam bây giờ là gấp đôi, thậm chí một số chính khách còn nói là còn có thể cao hơn nữa, tăng đến 20%.
Như vậy, rõ ràng chúng ta có những vấn đề về chính sách phải xem xét lại, chứ không phải vì mục tiêu chạy theo tăng trưởng điện năng và cứ thế là...
Nguyên nhân do đâu ? Vì không đủ số liệu thống kê, cho nên chúng tôi không thể biết được là từng loại hộ tiêu thụ như thế nào, nhưng có một vấn đề rất rõ là trong điều kiện hiện nay, ở rất nhiều nước, người ta sản xuất công nghệ rất cũ, tốn điện năng, thì người ta có xu hướng đưa về những nước dễ dãi về điện năng. Việt Nam đang cần đầu tư nước ngoài, cho nên nhập rất nhiều nhà máy sản xuất thép, rồi nhôm… Cái đấy chúng ta cũng cần, nhưng có điều là phải xem xét…
Việt Nam là một trong những nước về giá điện trong vùng vẫn còn thuộc loại rẻ. Do đó ngưòi ta không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam với nhũng cái công nghệ tốn rất nhiều năng lượng. Bây giờ ta phải bình tĩnh xem xét chuyện này».
«Rõ ràng vùng Đông Nam Á có thuận lợi rất lớn về năng lượng mặt trời. Rất tiếc là cái này còn đắt quá và phụ thuộc vào công nghệ của các nưóc phát triển, cho nên phải đợi một thời gian. Thế nhưng, nếu không có chính sách phát triển loại năng lượng tái tạo như thế, thì chẳng bao giờ có cả.
Vì sao ? Bởi vì đầu tư vào chuyện này tốn kém, mà chưa thấy trước cái lãi. Không có lợi nhuận, cho nên ngườì ta không theo. Và như vậy ta cần có một chính sách khuyến khích và đặc biệt có thể có chính sách khuyến khích dưới dạng là anh nào làm tổn hại đến môi trường là phải đóng thuế phạt. Điều này chưa hình thành, do đó, không khuyến khích được năng lượng tái tạo.
Thật ra vùng này là nơi mà năng lượng tái tạo là một tiềm năng rất lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nhưng chưa có nước nào đi tiên phong để thương mại hoá, mà chủ yếu là phải chờ các nưóc lớn, công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Đức, Mỹ v.v...
Thật ra giải pháp cho vùng ASEAN này cũng là một vấn đề chung cho toàn thế giới. Nhưng theo tôi, nó không đến nỗi cực kỳ khó khăn. Cái quan trọng nhất vẫn là làm thế nào xem lại cơ cấu của nền kinh tế, sao cho tiêu thụ ít điện năng nhưng sản xuất ra nhiều. Như thế thì phải chịu đi vào công nghệ mới, đi vào những công nghệ tiêu tốn ít điện năng. Đây là cái mà các nhà hoạch định chính sách phải lo, chứ còn bây giờ tất cả trở thành một cái nơi để nguòi ta đưa công nghệ cũ, công nghệ rất tốn điện vào, thì có lẽ đấy là một chính sách không đúng».
Nhìn chung, có thể nói rằng, điện hạt nhân không phải là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong vùng Đông Nam Á. Không phải là ngẫu nhiên mà nước phát triển nhất trong ASEAN là Singapore là nước duy nhất không hề quan tâm đến điện hạt nhân mà ngược lại thì có cả một chiến lược biến mình thành trung tâm phát triển năng lượng mặt trời. Vào tháng 10 năm 2007, tập đoàn năng lượng tái tạo REC của Na Uy cho biết là sẽ đầu tư ba tỷ euros, tức là gần 4 tỷ rưỡi đô la, vào một nhà máy tại Singapore để chế tạo linh kiện sản xuất năng lượng mặt trời.
Mai Vân
Nhưng với tình hình nguy ngập về năng lượng như hiện nay, khi mà dầu mỏ được xem như vũ khí chính trị đáng gờm, rồi ảnh hưởng nghiêm trọng của giá dầu tăng đến nạn lạm phát của Việt Nam thì điện hạt nhân lại được nhắc đến, thêm vào đó cũng có nhiều ý kiến ủng hộ
Có cách nhìn khác về năng lượng hạt nhân | ||
Để chữa căn bệnh “nghiện” dầu mỏ, nước Mỹ cần có nhiều năng lượng hạt nhân hơn nữa. Một cuộc điều tra dư luận trong năm qua với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Paris cho thấy, ở nước Mỹ có 40% người dân cho rằng, năng lượng nguyên tử là an toàn và ủng hộ xây dựng các nhà máy mới; 29% cho rằng các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động là không có vấn đề gì, nhưng họ phản đối xây dựng nhà máy mới; và 20% cho rằng các nhà máy điện hạt nhân là mối nguy hiểm và muốn đóng cửa tất cả các nhà máy. Cuộc điều tra ở 18 quốc gia, giầu và nghèo, cho thấy, ở Mỹ, năng lượng hạt nhân được nhìn nhận một cách thuận lợi hơn bất cứ quốc gia nào đã được khảo sát (trừ Hàn Quốc). Từ năm 1978, nước Mỹ không xây dựng thêm nhà máy điện nguyên tử mới. Ngay cả ở Pháp, nguồn điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân chiếm tỷ lệ cao, chỉ có 25 % số người được hỏi là ủng hộ xây nhiều nhà máy hơn nữa và 50 % nói đủ rồi, không nên có xây dựng thêm. Vấn đề năng lượng hạt nhân hiện đang hồi phục trên thế giới. Trong năm 2005, 8 nhà máy điện hạt nhân lần lượt được đưa vào vận hành. Một nhà máy ở Ontario, (Canada), được tái khởi động sau một thời gian dài đóng cửa. Trên toàn cầu, 443 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Mới đây, Tổng thống Mỹ Bush đã đưa ra một “Sáng kiến năng lượng ưu việt” trong đó đề nghị đầu tư xây dựng nhiều hơn các nhà máy điện từ than không có phát thải khí nhà kính; cách mạng hoá công nghệ năng lượng mặt trời và gió; và năng lượng hạt nhân sạch, an toàn. Trong bài Thông điệp liên bang, ông Bush nói rằng năng lượng hạt nhân là loại năng lượng sạch, tái tạo, có thể đáp ứng 50 % nhu cầu điện của nước Mỹ vào năm 2025. Đối với Patrick Moore, người đồng sáng lập ra phong trào Hoà bình xanh cho rằng, năng lượng hạt nhân là giải pháp chỉ hiện thực đối với nhu cầu năng lượng trong tương lai. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề năng lượng chỉ bằng điện gió và điện mặt trời. Hai nguồn năng lượng này đầu tư rất tốn kém, quan trọng hơn là nguồn năng lượng này cung cấp không liên tục, bởi chỉ có điện khi có gió hoặc mặt trời chiếu sáng. Kinh tế cần nguồn năng lượng có thể cung cấp điện liên tục. Than có thể là một nguồn năng lượng liên tục. Nhưng 1.300 nhà máy điện than ở Mỹ đã phát ra 10 % lượng khí thải nhà kính toàn thế giới. Vậy liệu chúng ta có muốn nhiều khí thải nhà kính làm thay đổi khí hậu trái đất? Với lòng dũng cảm và được sự hậu thuẫn của Chính quyền Bush và Thượng viện, các công ty điện lực Mỹ đang xúc tiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Frank Bowman-Giám đốc Viện Năng lượng hạt nhân ở thủ đô Washington cho biết, 9 công ty, tổ hợp hoặc liên danh đã có kế hoạch chắc chắn xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân mới, ít ra cũng có từ 12-14 nhà máy ở 10 bang. Với qui trình mới về cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, giới công nghiệp hy vọng sẽ trình hồ sơ đầu tư lên Uỷ ban điều tiết năng lượng hạt nhân (NRC) trong năm tới và nhận được giấy phép vào năm 2010. Nhìn chung, phải mất một thập kỷ để chuẩn bị và xây dựng, trong đó xây dựng một nhà máy mất 4 năm. Đến năm 2025, nước Mỹ sẽ có thêm 30.000 MW điện do các nhà máy điện hạt nhân sản xuất, tương đương với công suất của 30 đến 50 nhà máy điện than. Các quốc gia khác cũng đang có nhu cầu điện hạt nhân bổ sung. Tháng 11 năm 2005, Thủ tướng Anh Tony Blair nói, sẽ xem xét nghiêm túc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới. Tỉnh Ontario, (Canada) đã quyết định khởi động lại hai lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Bruce để tăng thêm công suất phát điện cho nhà máy Pickering được đưa vào vận hành năm 2005. Pakistan muốn mua 6 đến 8 lò phản ứng hạt nhân có công suất mỗi lò 600 MW của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Đức đã có kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong năm 2020. Nhưng cuộc chiến giá khí đốt giữa Nga và Ukraina vừa qua và giữa Nga và Belarus, cộng thêm giá dầu khí tăng liên tục và việc cung cấp từ vùng Vịnh Ba Tư và Nga cũng không mấy ổn định, đã khiến cho nước Đức và các quốc gia khác suy nghĩ lại. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 27 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2020 so với 9 nhà máy hiện có. Và sẽ còn tiếp tục, bởi Trung Quốc cũng nhận thấy, các nguồn năng lượng đều có vấn đề. Khai thác than đầy nguy hiểm. Đập thuỷ điện có thể gây tác hại môi trường. Khí mỏ thì dễ nổ. Dầu mỏ thì đắt. Tất cả nhiên liệu hoá thạch đều phát thải khí nhà kính. Phong điện thì ồn ào và các cánh quạt có thể hủy diệt chim muông. Theo ông Patrick Moore, mối nguy hiểm đồng hành với năng lượng hạt nhân chỉ là cường điệu. Chưa tới 60 người bị thiệt mạng trong các sự cố năng lượng hạt nhân, nhưng ở Mỹ chưa có ai chết vì sự cố điện hạt nhân. Một đoàn công tác quốc tế gồm hơn 100 nhà khoa học đánh giá sự cố trầm trọng nhất tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, (Ukraina) xẩy ra năm 1986. Báo cáo của Đoàn tháng 9 năm 2005 cho thấy, chỉ có gần 4.000 người chết vì nhiễm phóng xạ, trước đấy người ta dự đoán số người chết là 300.000 người. Bọn khủng bố có thể lao máy bay xuống nhà máy điện hạt nhân. Nhưng một nhà máy điện hạt nhân hiện đại thì không thể bị đâm thủng được. Bức tường gian lò phản ứng dày 6 feet bê tông cốt thép, được bọc tấm thép dày một inch cả trong lẫn ngoài. Ngay cả một nhóm tự sát có thể thâm nhập vào được trong gian lò phản ứng, nhà máy cũng không thể phát nổ. Phóng xạ có thể phát tán, nhưng các tia phóng xạ này bị yếu đi nhanh chóng và chúng trở nên ít nguy hiểm hơn. Ông Patrick Moore cho biết như vậy. Thực ra nhà máy điện chạy bằng khí ga hoá lỏng còn rủi ro hơn nhiều khi bị máy bay tấn công, có thể tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ. | ||
|
Và sau đây là thông tin mới từ Việt Nam về điện hạt nhân. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải là người đẽo cày giữa đường và sẽ có những quyết định đúng, còn nếu chưa cân nhắc kỹ thì hay thôi đi đã!
Trước nguy cơ thiếu điện và chi phí sản xuất điện từ than, dầu tăng chóng mặt như hiện nay, Chính phủ mới đây đồng ý đẩy nhanh tiến độ và tăng gấp đôi quy mô dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, từ 2.000 lên 4.000 MW, tại 2 địa điểm ở tỉnh Ninh Thuận.
> Khó khăn lớn nhất cho nhà máy điện hạt nhân / Thông tin về nhà máy
Làm rõ hơn chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm báo cáo đầu tư để xây dựng dự án điện hạt nhân đầu tiên tại cả hai địa điểm là xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải). Mỗi nơi sẽ có một nhà máy công suất 2.000 MW, với 2 tổ máy.
Xã Phước Dinh, nơi dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN. Ảnh do Ban chuẩn bị đầu tư dự án cung cấp. |
Ông Phạm Lê Phú, Phó ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân, thuộc EVN, cho biết báo cáo đầu tư của nhà máy tại Phước Dinh đã hoàn tất, đang được chỉnh sửa để trình Bộ Công Thương và Chính phủ vào tháng 5 tới. Ngay sau đó, EVN sẽ làm tiếp báo cáo đầu tư cho nhà máy tại Vĩnh Hải.
EVN hy vọng đến tháng 5/2009, dự án gồm 2 báo cáo sẽ được trình trước Quốc hội để xin chủ trương đầu tư, và có thể khởi công vào năm 2015.
Cũng theo ông Phú, việc xây 2 nhà máy tại 2 địa điểm, thay vì dồn thành một nhà máy lớn với công suất 4.000 MW sẽ giúp tận dụng được báo cáo đầu tư đã làm, đồng thời có thể giảm gánh nặng cho nhà thầu và cả chủ đầu tư. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chọn được 2 nhà thầu và đa dạng hóa công nghệ.
Ngoài ra, trước tình hình giá nguyên liệu sản xuất điện tăng mạnh như hiện nay (dầu tăng gần 3 lần so với 2 năm trước, than tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm ngoái), Chính phủ đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để có thể phát điện trước năm 2020, sớm hơn so với dự kiến trước kia.
Nhà máy điện hạt nhân sẽ có diện tích trong hàng rào là 400 ha, với công suất 2.000MW, lớn hơn nhà máy thủy điện Hòa Bình (1920 MW).
Thuận An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét