Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

Chiếc long bào của vị Hoàng Đế cởi truồng!



Bài gốc trên VietnamNet đã bị gỡ xuống.


Còn trong trường hợp đây lại chính là ý tưởng của Bộ Xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng đã tự mình không còn giữ được phẩm chất, bản lĩnh của những nhà chuyên môn. - KTS Hoàng Phúc Thắng.




LTS: Chuyện mở rộng địa giới Hà Nội và bản Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, chúng tôi vừa nhận được bài viết của KTS Hoàng Phúc Thắng, Nguyên Uỷ viên Hội đồng tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng, Nguyên Ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam khoá V, VI, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, có tiêu đề: “Mở rộng Hà Nội - Chiếc long bào của vị Hoàng Đế cởi truồng”. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết này cùng độc giả.







Gần đây, có nhiều chuyện thật như đùa mà nổi bật nhất có lẽ là hai sự việc quan trọng. Thứ nhất, mặc dù thừa đủ điều kiện theo quy định trong Luật Di sản nhưng Hội trường Ba Đình vẫn không được công nhận là một di tích lịch sử (!). Thứ hai, mặc dù quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội còn chưa được nghiên cứu xong và chưa được phê duyệt nhưng một đề án mở rộng Hà Nội gần như đã được thông qua (!) và địa giới hành chính cũng như bộ máy quản lý “Hà Nội mới” đang được gấp rút xem xét quyết định (!)




333




Thủ đô Hà Nội “nhôm nhoam” cả khi nhìn từ trên cao.






Ảnh: Nguyễn Chí Dũng - Phan Lê Tùng


Chuyện Hội trường Ba Đình tới nay không còn gì để nói vì nó đã bị đập bỏ. Được biết chi phí cho việc đập bỏ công trình lên tới hàng trăm tỷ đồng (bằng tiền có thể xây được hai hội trường tương tự). Lý do chi phí đập bỏ Hội trường Ba Đình đắt đến như vậy vì theo nhà thầu thì công trình Hội trường Ba Đình là loại công trình đặc biệt, được thi công với hệ thống kết cấu hết sức vững chắc, phá được 1m3 bêtông ở Hội trường Ba đình khó khăn và tốn kém gấp mười lần so với công trình khác. Rất tiếc, trong báo cáo trước đó của Quốc Hội khi đề nghị đập bỏ Hội trường Ba Đình lại nói rõ: Hệ thống kết cấu của Hội trường Ba Đình đã ọp ẹp, mục nát, có thể gây ra sập nhà bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới tính mạng của các đại biểu Quốc Hội!!! Không hiểu mọi người nghĩ gì trước những lập luận đầy mâu thuẫn như trên.




Về đề án mở rộng Hà Nội gần đây, có thể nói sẽ chỉ có những người không biết gì về thể chế và hệ thống pháp quy của Nhà nước mới có thể đưa đề án này ra công luận một cách tùy tiện, vô nguyên tắc như đã diễn ra. Không chỉ vì Đề án này đã không hề dựa trên một cơ sở lý luận hay thực tế nào, cũng không chỉ vì đề án này hoàn toàn không nằm trong chương trình thực hiện của Nghị quyết đại hội Đảng X và kế hoạch 5 năm của Chính phủ mà điều quan trọng là đề án này đã được nảy sinh từ những tư duy hết sức méo mó, hoàn toàn phản khoa học về quy hoạch và phát triển đô thị (tất cả hầu như chỉ xuất phát theo cách tư duy của một anh “cò đất” mà thôi).




Tôi không tin đây là đề án do Bộ Xây Dựng đệ trình, các anh Nguyễn Hồng Quân (Bộ trưởng), Trần Ngọc Chính (Thứ trưởng phụ trách kiến trúc quy hoạch) hoặc Nguyễn Đình Toàn (Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch Việt nam)– là những người có trách nhiệm quan trọng nhất trong trong quản lý ngành và là những người tương đối có hiểu biết nhất định về chuyên môn mà lại có thể đưa ra một đề án quá tùy tiện, đơn giản và phi lý như thế. Còn trong trường hợp đây lại chính là ý tưởng của Bộ Xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng đã tự mình không còn giữ được phẩm chất, bản lĩnh của những nhà chuyên môn mà đã trở thành những nhà tham mưu hời hợt, hợm hĩnh và vụ lợi, nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.




Đương nhiên việc đề án mở rộng Hà Nội ngay lập tức được các Bộ, Ban, Ngành cũng như các Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan thông qua 100%.




Tôi hình dung rất rõ những chiếc bánh vẽ đã được các nhà tham mưu bày ra như sau:




- Các nhà tham mưu vẽ rằng ở phía Tây, Hà Nội đang thiếu đất quá. Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xin đầu tư xây dựng mà không có đất cấp cho họ. Còn Hà Tây, Hòa Bình lại nhiều đất quá nên sát nhập họ về hẳn hoặc một phần để tăng quỹ đất. Với quỹ đất mới thì những người được quyền cắt đất, cấp đất mới có nhiều việc để làm, xã hội mới mau phát triển.




Không biết quyền lợi của những người có quyền cắt đất, cấp đất kia có bị tổn thất gì không? Nhưng xưa nay, cứ mỗi lần có dự án được cắt đất, cấp đất là mỗi lần hàng tỷ đôla của nhà nước cứ không cánh mà bay vào túi các chủ đầu tư trong và ngoài nước, vì các chủ đầu tư chỉ phải đền bù theo giá đất trước khi quy hoạch chứ không phải trả tiền theo giá trị đất sau khi đã được quy hoạch (!). Thực chất, khi cắt đất, cấp đất cho các dự án, chúng ta đã luôn quên rằng đất của dự án là đất đã được quy hoạch và chỉ Nhà nước mới được quyền phê duyệt quy hoạch này. Và giá trị thật của đất chỉ thực sự được xác định khi có được sự phê duyệt của Nhà nước.




Thí dụ: đất ở khu Ciputra trước khi dự án phê duyệt chỉ có giá trên dưới 1triệu đồng/1m2 vì không ai biết miếng đất đó sẽ được nhà nước cho phép khai thác, sử dụng như thế nào. Còn khi dự án được phê duyệt thì từng lô đất trong khu vực đã có được giá trị hoàn toàn khác. Nếu đất được làm nhà ở, hay làm khu thương mại thì giá trị của lô đất có thể tăng lên hàng trăm ngàn lần, tất cả nhờ vào quyền tối thượng của Nhà nước trong việc phê duyệt quy hoạch.




Lẽ ra số tiền chênh lệch trên sẽ phải được trả về cho nhà nước. Có nghĩa là khi nhà nước- đại diện cho nhân dân- tạo điều kiện nâng giá trị đất từ 1 triệu lên 100 triệu đồng thì 99 triệu kia phải thuộc về lợi ích công cộng, về nhân dân chứ không phải thuộc về chủ đầu tư và những người cắt đất, cấp đất. Rất đáng tiếc, hàng trăm hàng ngàn dự án xưa nay ở ta đã quên quyền và lợi của nhân dân như lẽ ra họ phải được hưởng.




- Các nhà tham mưu vẽ rằng: Kinh nghiệm cho thấy, lẽ ra theo Đồ án Quy hoạch Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, đô thị Hà Nội sẽ phải phát triển lên phía bắc. Nhưng thực tế suốt 10 năm qua, toàn bộ các dự án phát triển đô thị mà Hà Nội và các Bộ, Ngành phê duyệt đều lại được quyết định xây dựng ở phía Tây và phía Nam thủ đô. Thí dụ: Cầu Giấy, Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính, Trung Yên, Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân… Những việc làm này thực chất đều đi ngược lại quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về việc phát triển đô thị Hà Nội lên phía bắc mà cũng không sao cả (!). Vậy nên bây giờ ta cứ vẽ ra thế nào cũng được, miễn là có thêm đất để cấp cho các chủ đầu tư đã là thành công rồi.




- Các nhà tham mưu cũng vẽ rằng ở phía Nam, tỉnh Hà Nam không có giá trị gì mấy nên không cần phải lấy thêm đất của họ. Còn phía Đông thì để dành mấy tỉnh lại để làm đất dự trữ cho việc mở rộng Hà Nội ở bước 3 vào năm hai ngàn không trăm bao nhiêu đó.




Có thể nói các nhà tham mưu của đề án mở rộng Hà Nội nói trên đã tạo ra một chiếc bánh vẽ hết sức vô nghĩa, phiêu lưu, rỗng tuyếch, nhưng lại được một số người ở cấp vĩ mô, vì những lý do nào đó, đinh ninh tưởng là bánh thật.




Bất chợt, từ một nỗi nhói đau, tôi bỗng hình dung chiếc bánh vẽ kia cũng chẳng khác gì chiếc long bào trong câu chuyện “Hoàng đế cởi truồng” mà tôi đã được đọc từ năm 9 tuổi: Trong lúc Hoàng đế mặc chiếc long bào “tưởng tượng”đi lại trong thành, tất cả mọi người tấm tắc khen ngợi chiếc long bào, thì bất chợt có một thằng bé khoảng 9 tuổi (cũng như tôi), chạy ra trước mặt Hoàng đế vỗ tay reo mừng: “Ô hay! Hoàng đế cởi truồng!”




KTS Hoàng Phúc Thắng

1 nhận xét:

  1. "Còn trong trường hợp đây lại chính là ý tưởng của Bộ Xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng đã tự mình không còn giữ được phẩm chất, bản lĩnh của những nhà chuyên môn"
    Bộ trưởng Xây dựng vừa báo cáo trước Qh rồi, còn bảo dự án này có từ lâu, đã qua lựa chọn. KL thế nào đây KTS Hoàng Phúc Thắng?

    Trả lờiXóa