Giáo sư Võ Tòng Xuân từ Đại học An Giang |
Giáo sư Võ Tòng Xuân, từ Đại học An Giang, cho rằng nhà nước hoàn toàn có thể khống chế được vấn đề giá gạo.
Trong cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ ngày 28.04, GS Xuân, một chuyên gia khuyến nông cho rằng thị trường lúa gạo ở Việt Nam hoàn toàn không gặp vấn đề sút giảm khối lượng cung cấp.
Theo ông, việc giá gạo tăng đột biến trong mấy ngày gần đây là do bàn tay của giới doanh thương buôn bán thóc gạo đầu cơ và ghìm giá nhằm trục lợi.
Năm tầng nấc gạo
Giáo sư Xuân cho hay có ít nhất năm tầng nấc trong hệ thống phân phối lúa gạo, đặc biệt ở đồng bắng Sông Cửu Long. Đó là thương lái buôn thóc gạo ở cấp xã, thương lái ở cấp huyện, thương lái chế biến gạo, công ty và các tổng công ty.
Chính việc không xuất khẩu gạo do sợ liên quan đến an ninh lương thực là một nguyên nhân làm cho những người nắm gạo ở trong nước rất mừng |
Chính những người thương lái các cấp này có vai trò quyết định trong việc ghìm giữ hoặc giải phóng phân phối thóc gạo.
Người đứng đầu đại học An Giang cho hay, việc đầu cơ thóc gạo của các thương lái năm nay còn được tiếp sức bởi một quyết định mà theo ông là không hợp lý của Chính phủ.
Ông nói: "Chính việc không xuất khẩu gạo do sợ liên quan đến an ninh lương thực là một nguyên nhân làm cho những người nắm gạo ở trong nước rất mừng."
"Những người này tiếp tục mua gạo với giá rẻ và neo gạo lại, làm cho giá thóc gạo tăng lên".
Ông Xuân cũng nói quyết định đóng cửa xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang làm cho Thái Lan được hưởng lợi lớn. Quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam này, đang một mình một ngựa độc diễn "đẩy giá gạo lên" trên thế giới như họ muốn.
Biện pháp hành chính
Chuyên gia khuyến nông từ Đại học An Giang cho hay trong ngắn hạn, Chính phủ cần có các biện pháp giải thích, động viên kể cả hành chính đối với giới đầu cơ thóc gạo.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại một chuyện được cho là giai thoại khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Cộng hoà, ông Nguyễn Cao Kỳ, vào năm 1966 đã đe doạ sử dụng hình phạt tử hình với 12 nhà đầu cơ gạo lớn nhất của miền Nam khi giá gạo đột nhiên leo thang sau khi ông Kỳ lên nhậm chức.
"Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau cuộc gặp mặt với Tướng Kỳ, giá gạo Sài Gòn và Đồng Bằng Sông Cửu Long hạ ngay xuống".
Ông Xuân tin rằng, Chính phủ Việt Nam hiện nay, nhất là với lực lượng công an cơ sở trải khắp, nắm rất rõ ai là người đầu cơ gạo. Và chính quyền hoàn toàn có thể ra lệnh để những người này phải bán gạo ra thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ nên mở trở lại thị trường xuất khẩu gạo trong nước để việc sản xuất, phân phối lưu thông được diễn ra bình thường và làm giảm khả năng can thiệp của giới thương lái đầu cơ.
Chưa có thống kê chính thức nào của Chính phủ về tổn hại do việc giá gạo tăng đột biến gây ra cho người tiêu dùng ở Việt Nam |
Về lâu về dài, giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị, nhà nước cần tiến hành đồng thời một loạt biện pháp để ổn định sản lượng, khống chế giá cả và điều tiết thị trường thóc gạo.
Vẫn theo lời ông Xuân, Chính phủ nên sử dụng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như một cơ quan tham vấn chiến lược về vấn đề sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo. Bộ này cần nâng cao khả năng nắm bắt thông tin, hoạch định các kế hoạch liên quan đến sản xuất, an ninh và thị trường lúa gạo để tư vấn Chính phủ.
Về mặt sản xuất, giáo sư Xuân đề nghị Việt Nam nên chuyển hướng, giảm cạnh tranh về gạo chất lượng cao với Thái Lan, để tập trung vào các giống cao sản có thể lên tới 8 tấn trên một hecta, kháng rầy nâu và sâu bệnh khác, để vừa đóng góp cho xuất khẩu vừa đảm bảo an ninh trong nước.
Chưa rõ các giải pháp kỹ thuật mà chuyên gia khuyến nông hàng đầu của Việt Nam này đưa ra sẽ được Nhà nước lắng nghe đến đâu, song theo quan sát của dư luận, xem ra việc sử dụng biện pháp hành chính với giới ma-fia thóc gạo ở Việt Nam có thể là hơi khó vì tình hình và quan hệ đầu cơ hiện nay ở Việt Nam là rất khác so với thời kỳ ở miền Nam trước năm 1975.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét