Người chăn bò thần thánh.
Truyện ngắn của Võ Thị Hảo
Lời tác giả:
(...) (xin lỗi các bạn phải cắt bỏ 1 đoạn vì quá nhạy cảm - Mít đặc)
Tôi đã viết về nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong nhiều bài báo của tôi trước đây.
Và đã viết về nó trong truyện ngắn “Người chăn bò thần thánh”. Truyện này đã đăng ở Việt Nam và dịch, in ở Nhật bản
Truyện ngắn này tôi viết đã cách đây cả chục năm. Gần đây nhất, nó được in trong “ Võ Thị Hảo- Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm”.
Tôi gửi lên đây. Vì nó, buốn thay, vẫn mang tính thời sự!
Tôi gửi bạn. Cũng như là tiếng kêu của con chim đỗ quyên về vận nước.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Dân vùng ấy chẳng mấy khi biết đến miếng thịt. Nhất là thịt bò thì càng hiếm hoi. Hồi ức sang trọng của một vài kẻ sành điệu, là những lúc kẻ ấy lim dim nhớ lại những bữa cỗ có bát rượu nhấm thả cửa với thịt bò chết. Mùa rét, mùa trâu bò bị cước chân, ngã nước, ấy mới chính là mùa tràn trề hy vọng của dân nhậu trong vùng.
Thịt bò chết mà còn hiếm hoi đến thế, thì còn nói chi đến sữa ! Phần lớn trẻ con trong vùng không phát âm được từ “sữa”, mà đều nói thành ”sứa”. Nghe quê đành đạch !
“Man rợ quá! Thảm thương! Rùng rợn quá!”.
Một nhân viên đầy râu của Tổ chức Nhân đạo quốc tế đã lắc đầu lia lịa, xua tay quầy quậy, mà cảm thán như vậy, khi trên đường đi khảo sát thực địa để quyết định xem sẽ viện trợ kinh tế cho nơi nào, ông ta lại chứng kiến cảnh một con trâu bên đường lăn ra chết, và một đám người lập tức vác dao xông ra, xẻo thịt con vật trong nháy mắt. Có người đốt lửa nướng ăn nhắm rượu tại chỗ.
“Tôi mạn phép đề nghị ngài không nên có thái độ xa lạ như vậy. Nếu tôi không nhầm, tổ tiên của ngài cũng từng có cách hưởng lạc ấy!…- Anh phiên dịch đỏ mặt tía tai nói lạc cả giọng.
“Ô ồ, xin lỗi. Cảm ơn ngài đã nhắc tôi nhớ về tổ tiên mình. Và tôi xin tỏ lòng kính trọng ngài!”.
Nhà nghiên cứu xã hội học đi cùng đoàn kiếm cớ tụt lại sau và lặng lẽ khóc trong mục kỉnh.
“Dân vùng này sẽ có thịt –thịt của những con bò sống hẳn hoi, lại còn có sữa nữa !”. Vị đại diện nói. Và giữ lời, vừa về đến nơi, ông “phôn” ngay một cú về trụ sở của tổ chức mình.
Ba tháng sau, một đàn béo mượt, gồm vừa bò thịt vừa bò sữa, mang một cái tên rất khó đọc: “Đàn bò giống Chi- chút- cha- chi- chu- xi- li- om” được gửi đến. Trên mông con nào cũng được đóng một cái dấu kiểm dịch to tướng. Và bên Tây họ khôn thật ! Họ gửi đích danh cho vùng ấy, chứ không gửi chung chung. “Chúng tôi đã có những kinh nghiệm cay đắng về vấn đề này!”.
Hôm tiếp nhận bò, rầm rộ lắm. Cấp trên trực tiếp về chỉ đạo lễ đón nhận. Phải làm sao cho long trọng. Bò tập thể chứ chả chơi. Người ta chuẩn bị làm lễ ”khánh thành bò”. Nghĩa là chú bò mượt nhất được dắt ra giữa sân vận đông, buộc vào cọc dán giấy xanh đỏ. Sừng bò được bọc giấy thiếc lấp lánh. Hàng vú bò được cài nơ. Hình như có sáu chiếc nơ tất cả.
Pháo nổ đùng đùng. Bò nổi điên lên, giật dây lồng cồng cộc trên sân bãi khiến cho dân chúng sợ xanh mắt mèo. Mười ông trung niên liều chết xông ra bắt. Còn đám thanh niên thì cười khoái chí, chùn nhụt lại: “Bò nông trường'' mà. Mãi mới tóm được chú bò mẫu, trao thừng vào tay cấp trên.
Cấp trên mắt bỗng lúng liếng, không phải vì đa tình, mà cốt để canh chừng, dự báo trước tai nạn bò lồng lên lần nữa. Sau một hồi trấn tĩnh, ông cất giọng nghe sang sảng:
- Hôm nay, chúng tôi tin tưởng các đồng chí, kỳ vọng các đồng chí, vân vân các đồng chí, mà giao xuống cho tập thể các đồng chí vinh dự được chăn dắt đàn bò này. Nên nhớ, đây là tài sản tập thể. Vì vậy, cấm không được xâm phạm, được làm gầy yếu hư hao tài sản tập thể. Kẻ nào - mắt ông lóe sáng như ngàn ánh chớp - kẻ nào xâm phạm tài sản tập thể, kẻ đó sẽ bị trừng trị thật nghiêm khắc - ông định nói “xử lý nội bộ” theo thói quen, nhưng may kìm được.
Đám đông im phăng phắc, chú mục vào những bầu sữa tết nơ của con bò, nuốt nước bọt phập phồng vừa mừng vừa lo.
- Tập thể, nhưng phải có chủ, nếu không sẽ là vô chính phủ – cấp trên tiếp lời - Phải cử người xứng đáng nhất trong chúng ta để chăn bò… - ông ngừng vài phút để quan sát.
Bỗng một cánh tay từ dưới giơ vọt lên. Một người, có lẽ là nông nổi và bạo dạn nhất trong số đông ở dưới, đứng ngổng lên cướp lời:
- Tôi có ý kiến:đề nghị bỏ phiếu kín. Xin cho ứng cử!
– Phản đối ! Tôi đề nghị cấp trên sáng suốt, cứ bổ nhiệm – Cán bộ phụ trách nông trường, người bà con bên ngoại với cấp trên, từ một góc của hàng ghế đầu thẽ thọt lên.
- Tốt nhất giết thịt quách, chia cho mỗi nhà vài lạng làm bữa chén – một cậu trai quần thụng, ria mép đen ngổ ngáo bàn ngang. Hắn ta liền bị nuốt chửng trong làn sóng những cái lườm nguýt…
Bàn đi tính lại như chợ vỡ.
Cuối cùng, người chăn bò – người được giao trọng trách đầy vinh quang ấy, cũng được xác định. Còn ai xứng đáng hơn giám đốc nông trường. “Hẳn rằng ông ấy xứng đáng hơn tất cả chúng ta, vì nếu không, ông ấy đã không là giám đốc”.
Buổi lễ giải tán. Về nhà người ta thôi mơ đến những miếng thịt bò chết. Và bố mẹ của lũ trẻ con trong vùng chỉ còn mỗi việc là chuyên chú dạy con sao cho chúng phát âm từ ‘sữa” cho đúng. Đám nông trường viên tràn trề hy vọng. Người ngoài nông trường trông thấy cũng nức lòng. Đàn bò béo mỡ ra thế kia, nhân giống chẳng mấy mà vàng đồi. Có mà thịt sữa ăn chả hết.
Có một xí nghiệp chuyên sản xuất sắt thép lâu nay làm ăn thua lỗ sắp giải thể, ông giám đốc đã làm luận chứng kinh tế xin vay vài tỉ đồng để xây dựng Côtithibohô-xukha. (mở ngoặc: “Công ty thịt bò hộp xuất khẩu”). Để đón sự phát triển rầm rộ của đàn bò trong nay mai. Giám đốc ngân hàng- anh họ của ông ta, đã kí duyệt cho vay hai phần ba vốn. Thế là giám đốc một công ty chúa chổm lại lập tức trở thành một giám đốc năng động.
Còn người chăn bò của nông trường – niềm hy vọng của tất cả vùng, thì lo ngay ngáy được khoảng ba tuần. Tất nhiên, là giám đốc ông chăn bò về phần hồn, còn thì phần xác bò đã có người lo: kẻ cắt cỏ, kẻ đi chăn… Sau đó, vì bận họp hành, thù tạc, ông dần dần quên đi không khí trang trọng và cảm động của buổi lễ “khánh thành bò” đã diễn ra cách đây không lâu.
Và giám đốc nông trường, cũng trần tục như chúng ta thôi, cũng thường có một thằng con lêu lổng trong những đứa con. Phải, ông đang có một đứa như vậy. Nó vô công rồi nghề mà lại thông minh đáo để. Một hôm, ông đi họp vắng, mà nó và lũ bạn nó đang thèm rượu, thèm thịt. Nhưng giống bò ngoại này thì sống dai, chẳng con nào chịu chết cho. Thằng con chép miệng vài cái, bỗng nghĩ ra một kế:
- Chúng bay đâu? Nổi lửa lên! Tao đã có cách.
Nói rồi, nó phăm phăm vác dao ra, chọn con bò béo nhất, xẻo một miếng vai khá to, bê vào. Lũ bạn sợ xanh mắt. Nó khoác tay:
- Không sao. Cứ nhậu đi. Tao bảo đã có cách mà lỵ!
Con bò tập thể vẫn rống lên thảm thiết trong chuồng. Máu từ vai bò nhỏ xuống, ướt cả lớp rơm lót. Trong nhà, bọn chúng đã ngấm hơi men, đang cười nói say sưa.
Tối, ông bố đi họp về, la lối ầm ĩ: “Đồ con bất hiếu ! Mày giết bố mày rồi! Làm sao bây giờ ? Giời ơi là giời!”. Thằng con trai ôn hòa đưa đũa cho bố: “Thì bố cứ xơi đi đã. Bố đã được nếm thịt bò ngoại bao giờ đâu. Con bò mất vai con đã có cách!”. Nói rồi, hắn ghé tai bố, thì thầm. Mặt ông bố dần tươi lên: “Được, được đấy! Diệu kế!”. Con cười khì khì: “Con kinh nghiệm lắm bố ạ. Chả là quan sát bố lâu ngày con biết!”.
Sáng hôm sau, trước khi giao bò cho người lùa ra bãi chăn, con trai ông chủ tịch nông trường vào chuồng, vỗ vỗ vào hõm vai đã bị xẻo đi của con bò, lớn tiếng đọc mấy câu:
“Hỡi bò ! Hỡi bò ! Hãy lập tức liền vai lại, vì rằng mi là bò tập thể. Phàm đã là của tập thể thì mi phải có phép thần thông vơi đấy rồi đầy đấy. Ta ra lệnh cho cái vai của mi: Khắc đầy ! Khắc đầy !”.
Con bò ứa nước mắt đau đớn. Và lạ thay, câu nói của con trai ông chủ tịch lại chính là câu thần chú. Từ nơi hõm vai của con bò, một đám thịt và da, và gân, từ từ dâng lên, lấp đầy như cũ. Chỉ có điều là đám da thịt ấy trong suốt, từ ngoài trông vào nhẹ bỗng như quả bóng bay.
Con bò được lùa ra bãi chăn. Người thả bò nhìn thấy đám thịt kì lạ nơi vai bò thì thất kinh thét lên. Nhưng con trai ông chủ tịch đã lườm, nói giọng chắc nịch:
- Bò này là bò ngoại. Đã là bò ngoại thì chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra. Tôi hỏi: chẳng lẽ anh chưa thấy giống bò ngoại bao giờ sao? Rõ quỷnh! Cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng có khác!
Người thả bò im thin thít: ông ta đã ra đến nước ngoài bao giờ đâu mà biết bò ngoại có tất thảy bao nhiêu giống! Mà đã vậy thì làm sao có thể cãi được rằng vai bò là vai bò chứ không phải là một chỗ rộm lên như đám bong bóng trong suốt kia.
Thế là mọi việc cứ tuần tự nhi tiến. Hôm nay vai bò đốm, ngày mai vai bò vàng, ngày kia vai bò lang… Thịt bò ăn không hết, còn đem bán, đem biếu cấp trên, cho đến khi cả đàn bò đều được tưới tắm chu đáo bởi câu thần chú của con trai ông giám đốc, và đều được đổi vai. Các nông trường viên không dám bảo rằng đó không phải là vai bò, vì sợ bị đuổi khỏi nông trường. Các đoàn kiểm tra rốt cuộc đều chứng nhận rằng đó đích thực là vai bò, bởi vì họ đều hoặc tự nguyện hoặc bất đắc dĩ đã nếm thịt bò ngoại của nông trường.
Cả đám bọ chét, ve, mòng, rận, dĩn… cũng được thỏa mãn. Cuộc đời giờ đây đối với chúng là một ngày hội không có giờ kết thúc: trước đây khi bò còn nguyên lành, chúng còn phải e dè. Nhưng bây giờ, vai bò lở lói, máu bò cứ thế tràn vào miệng chúng, thậm chí chẳng cần dùng đến vòi nữa.
Người ta nói rằng, “lộc bất hưởng tận”. Ông giám đốc nghĩ như vậy, và kiếm cách giao lại đàn bò cùng chức tước cho người khác, rồi được cất nhắc sang làm giám đốc một nông trường to hơn. Đại khái, đấy có thể là nông trường chăn voi ngoại.
Cậu con trai ông cũng di chuyển theo bố. Nhưng câu thần chú của hắn thì được lưu truyền trong dân gian và treo lơ lửng trên đầu đàn bò.
Treo lơ lửng trên đầu đàn bò và câu thần chú phát huy tác dụng ghê gớm. Đến mức mà đàn bò luôn được giã biệt và làm quen với chủ mới, và lần lần, thân thể con được những hợp chất có màu trong veo choán gần hết. Những con bò trông ngày càng giống những quả bóng khổng lồ, và, a lê hấp, là đàn bò trong veo ấy có thể ngao du trên trời được.
Nhưng tin tức về sự thịnh đạt của nông trường bò kiểu mẫu vẫn cứ lan xa, lan xa. Những chủ bò nhanh chóng nắm được câu thần chú, cũng nhanh chóng hiểu ra rằng, nếu biết điều hòa một cách khôn khéo lợi ích giữa Dưới và Trên và Xung quanh, thì hôm nay, họ được làm chủ bò và xẻo được lườn bò, nhưng nay mai, có thể còn được chuyển sang làm chủ voi và xẻo được lườn voi. Chỉ ít, cũng được chuyển đi làm chủ một đàn bò khác hay ở lại vị trí cũ mà không hề hấn.
Các nông trường vẫn nuốt nước bọt ừng ực, đến nỗi khô cả cổ. Bây giờ thì họ hiểu ra rằng những con bò kia chẳng phải để cho họ. Bắt đầu phàn nàn, nhưng kêu ca mãi cũng chẳng được tích sự gì, họ trở về trạng thái lờ đờ ngủ gật. Đầu tiên, họ còn có cảm giác đau xót khi nghe tiếng giống thảm thiết của con bò sống bị xẻo thịt, và thấy choáng khi màu đỏ bầm của máu bò rải ướt đám rơm lót chuồng. Nhưng điều gì cứ lặp đi lặp lại mãi cũng thành nhàm. Họ cho đó là nghiễm nhiên, không thế mới là lạ. Họ nghĩ thực ra, những con bò ấy chẳng liên quan gì đến họ.
Thật khó mà tin được rằng, những kẻ lên tiếng khiếu nại về tình trạng ấy một cách kiên quyết nhất chính lại là đám ve mòng rận dĩn. Lá đơn khiếu nại của những công dân này có đoạn viết:
“Đau xót vì tình trạng thịt rơi máu chảy của đàn bò, của tài sản tập thể bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, chúng tôi, các công dân Ngọc Ve, Ngọc Mòng, Ngọc Dận, Ngọc Dĩn viết đơn này khiếu nại cấp trên về xem xét. Đàn bò hiện nay, con nào cũng chỉ sót lại một mẩu thịt ở mông, còn tất cả da thịt và gân của chúng đều bị các chủ bò lần lượt xẻo đi và thay thế bằng những quả bóng trong suốt. Xin cấp trên trừng trị để làm gương…’’.
Có người đọc lá đơn trên, cảm động mà hu hu khóc, than rằng, “Trời hỡi trời ! Những kẻ hèn mọn mà có lòng nghĩ dến tài sản chung. Vậy như chúng ta đây, những đại công dân, há chẳng có một chút cử chỉ nghĩa hiệp nào, thật chẳng đáng thẹn với trời xanh lắm ru ?’’. Và người đó suýt quyên sinh vì xấu hổ. Người đó có biét đâu rằng, đám Ve, Mòng, Rận, Dĩn ấy sở dĩ bỗng dưng mầ lo lắng như thế, chẳng qua là thấy nguy cơ trước mắt, một chút máu thịt duy nhất còn sót lại trên mông bò, người ta cũng xẻo nốt, thì hỏi họ hàng nhà kí sinh nay về đâu?
Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Người ta liền lập phiên òa xét xử các tội phạm Ve, Mòng, Rận, Dĩn, bởi tiền sử chúng đen tối, hiện tại chúng mờ ám, và tương lai của chúng là không cải tạo được. Nghe đâu, khi xướng tội danh, có những câu đại loại như:
“Bị cáo Ngọc Rận, dù người nhỏ nhưng lòng tham vô đáy. Mỗi miếng y ăn hết một phần ba cái vai bò. Mỗi lần y hút cạn một lít máu bò, cho nên, đàn bò hiện nay mới ra nông nỗi này !”.
Và tòa tuyên phạt: Tử hình tất cả bọn chúng. Điều đó đem lại chút ít hả hê. Coi như đã triệt được nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Dân chúng trong vùng cũng như nông trường viên bây giờ thấy rất hay, bởi loại bò trong veo này không cần ăn cỏ nên không phải đi cắt, không bài tiết nên chẳng phải dọn chuồng, sung sướng nhất là người lùa bò đi chăn. Nếu như hồi mới nhận bò, anh ta phải cầm cây gậy to, chạy tới chạy lui đánh vật với những con bò lực lưỡng thì nay anh ta chỉ việc đứng ở cửa hậu chuồng bò, chúm môi phồng má khẽ thỏi ”phù” một cái. Thế là cả đàn bò cứ ngoan ngoãn lừ lừ ra như một đàn bóng bay khổng lồ.
Nhưng bỗng một hôm, chuông điện thoại cứ reng réo khắp lượt. Các phòng ban nhớn nhác, hớt hải cứ như cháy đồi vậy. Mặt mày ai nấy xanh lét. Vang vang tiếng quát tháo:
- Ngu lắm ! Tôi tin cậy các anh, giao tài sản tập thể cho các anh trông coi mà để dến nông nỗi này à ? Uống nước phải biết chừa cặn, ăn vụng phải chùi mép cho tôi nhờ với chứ !
- Dạ thưa anh, thì chúng em vẫn chừa lại cặp sừng, với bốn cái chân, với còn nguyên cái đuôi của con bò lại đấy chứ ạ. Mà lâu nay các đoàn kiểm tra từ trên về, vẫn trót lọt, có ai bảo rằng đó không phải là bò đâu ạ?
- Ngu lắm! Lọt được mắt các đoàn kiểm tra ấy bởi vì họ há miệng mắc quai… Còn người quốc tế ấy, họ khôn lắm. Không bịt mắt được họ đâu. Họ đã ”phôn” về, đích thân đến kiểm tra đàn bò vào tuần sau đấy. Đấy! Các người chịu trách nhiệm về vụ này. Các người muốn làm sao thì làm.
Các phòng ban các chủ bò xôn xao, bàn bạc quy trách nhiệm, chửi nhau như ong vỡ tổ. Sau ba ngày, một thông cáo được ban bố, được nhắc di nhắc lại đến chín lần tận tai các công dân nông trường:
- Bởi vì các nông trường viên đã vô trách nhiệm, kém cỏi về trình độ khoa học kỹ thuật, nên đã để cho đàn bò mất hết thịt. Ai gieo nguyên nhân thì người đó phải gặt hậu quả, đã làm sai thì phải sửa sai. Bởi vậy, ngày mai, mỗi nông trường viên phải tự đưa một miếng thịt của mình ra đắp vào dàn bò, trả lại cho đàn bò hình dáng ngày xưa. Ai không tuân thủ sẽ bị trừng phạt.
Phần vì sợ hãi, phần để giữ thể diện quốc gia, các nông trường viên vừa tự đắp thịt mình vào đàn bò vừa khóc. Máu họ nhỏ ròng ròng trên đất và đỏ hơn máu bò.
Bỗng có tiéng rít ghê rợn trên không trung. Đó là tiếng réo của câu thần chú. Khi đàn bò chỉ còn là những quả bóng bay, câu thần chú đã bỏ đi. Nhưng khi đàn bò đã có da có thịt trở lại, câu thần chú bỗng từ đâu lại lượn về.
Tiếng rít của nó báo hiệu điều gở.
Đó là, một thế hệ người chăn bò thần thánh lại sắp xuất hiện.
Vì ra đời dưới tiéng rít của câu thần chú, nên đông gấp đôi thế hệ trước. Và cứ để ý mà xem, bàn tay trái của họ đều nắm chặt. Khi họ vô tình mở ra, sẽ thấy giữa lòng bàn tay có một giọt máu. Không rõ đó là máu người hay máu bò.
copy từ blog Tacke
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét