Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008
Sáu bức xúc lớn nhất của Nhân Dân
GS. TS. Nguyễn Lân Dũng
Tôi muốn chuyển đến Quốc hội và Chính phủ sáu bức xúc mà tôi cho là lớn nhất và được nhiều cử tri gửi gắm tôi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội:
Một là, trước tình hình tổn thương đến từng hộ nhân dân trong cả nước do tăng giá đột phát, tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là gì? Có lẽ một nguyên nhân quan trọng là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã để tăng lãi suất ngân hàng trong vòng 3-4 tháng từ 7-8% lên đến 17-18%, dẫn dến dư nợ tín dụng tăng gấp đôi và do đó tất yếu dẫn đến lạm phát. Điều 474 của Bộ Luật Dân sư quy dịnh: lãi suất ngân hàng cho vay không được vượt quá 150% so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Hai là, cần dừng ngay việc lấy đất ruộng lúa để làm khu công nghiệp, khu chế xuất, làm sân golf, làm khu du lịch. Công luận cho biết: mỗi năm cả nước mất đi 72 000 ha đất nông ngiệp mà phần lớn đều là các bờ xôi, ruộng mật.Với tư cách một nhà khoa học tôi xin thưa có một khái niệm mà mọi nhà lãnh đạo cần phải hiểu rõ. Đó là có một loại đất được gọi là đất có cấu tượng, đó là loại đất mà chất mùn do vi sinh vật tạo ra đã liên kết đất lại thành các viên có kích thước vừa phải, không nhỏ như đất sét, không lớn như cát, nhờ đó mà mang lại độ phì nhiêu cho đất ,vì tạo nên các khe hở để giữ nước, giữ không khí và giữ các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Muốn có đất có cấu tượng phải trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Bê tông hóa, lấp cát để xây dựng nhà máy hay trồng cỏ làm sân golf các vùng đất có cấu tượng là một hành động vô trách nhiệm đối với muôn đời con cháu chúng ta. Đấy là chưa kể đến việc đền bù cho dân với giá rất tháp, mà sau khi đổ cát lên thì lại bán cho nhà đầu tư với giá rất cao , khiến dan chúng rất bất bình. Không phải không có lý do mà bên Trung Quốc người ta quy định muốn chuyển đổi mục đích sử dụng của 5 mẫu Trung Quốc đất trồng trọt (tương đương với 1/3 ha) bắt buộc phải được sự chấp thuận của Quốc Vụ Viện (tức là của Chính phủ Trung ương). Người ta cũng đang san phạt các đồi núi thấp để xây dựng khu công nghiệp hoặc mở đường cao tốc lên tận Khu tự trị Nội Mông Cổ để xây dựng các Khu công nghệ gang thép rộng lớn. Bao giờ chúng ta chấm dứt được việc để cho các nhà đầu tư tự đi tìm địa điểm và chiếm dần hết các loại nhất đẳng điền ven các quốc lộ, tỉnh lộ ở hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, dẫn đến việc bần cùng hóa một số lượng lớn nông dân mất đất mà chưa thể chuyển đổi khả năng lao động.
Ba là, đừng để cho khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng doãng xa ra như hiện nay. Cần tìm mọi cách để xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao , vùng sâu, vùng xa và những người bị thiệt hại quá lớn do thiên tai ,dịch bệnh hay do bị mất việc làm. Cần xem xét tài sản của những người có chức, có quyền xem họ làm gì mà có ngần ấy biệt thự, ngần ấy trang trại, ngần ấy đất đai và ngần ấy ngân phiếu, cổ phiếu. Chỉ nhìn vào số tài sản ấy có thể đánh giá ngay họ có phải là công bộc của dân như khái niệm mà Bác Hồ đã quy định cho mọi cán bộ hay không?
Bốn là, không để việc coi khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu trở thành những khẩu hiệu xuông, không có hiệu lực cụ thể. Hãy đầu tư đủ tầm và có trọng điểm để các nhà khoa học trong và ngoài nước có điều kiện cống hiến hết mình , biến tiềm lực kinh tế thành hàng hóa chất lượng cao đủ khả năng xuất khẩu bù đắp cho nhập siêu, làm cho nông dân không còn suốt đời lo sợ bọ rầy, đạo ôn, lo H5N1, lở mồm long móng, tai xanh… và làm cho các nhà lãnh đạo nông nghiệp không phải suốt tháng lo đi chống dịch mà không còn thời gian đâu nghĩ đến việc phải làm gì để 12 năm nữa có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hãy nghe kiến nghị của các nhà khoa học đầu đàn trong các Hội khoa học chuyên ngành để dũng cảm xây dựng lại một chương trình giáo dục phổ thông sao cho đủ sức sử dùng ổn định lâu dài và không chênh lệch bao nhiêu với trình độ quốc tế nhưng không quá tải với trẻ em -lứa tuổi đang cần có thời gian vui chơi và phát triển toàn diện.
Năm là, cần có tầm nhìn xa đề không phải lúng túng đối phó với tai nạn giao thông, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, lạm phát tiền tệ và tăng đột biến giá cả hàng hóa. Các nước khác có kinh nghiệm gì hay thì vì sao mình không học mà cứ phải xoay xở đối phó như chuyện nước đến chân mới nhảy. Ở đây có vấn đề chúng ta có biết phát hiện chính xác và tin tưởng thực sự vào những chuyên gia đầu ngành là người Việt dù ở trong hay ngoài nước hay không. Chúng ta cần học chủ tịch Hồ Chí Minh về thái độ tin cậy và trọng dụng nhân tài ngay trong những ngày đầy khó khăn khi mới dựng nước. Có chuyên gia nói với tôi rằng nếu họ có quyền họ chỉ cần vạch ra những con đường rộng 100m trên bản đồ thành phố, dùng 40m làm mặt đường hai chiều còn mỗi bên là 30m làm nhà cao tầng , khi đó chả cần đồng nào của ngân sách để đền bù, giải tỏa, mà cũng chả cần có đồng kinh phí nào cũng có ngay khối nhà đầu tư xin nhận xây dựng đường xá và các dãy phố khang trang ấy. Nếu không như vậy thì chỉ cần vài năm nữa không hiểu giao thông tại các thành phố lớn sẽ tắc tị đến mức nào? Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chủ trương đối với ngươi Việt nam ở nước ngoài chưa được quán triệt đầy đủ dến các ngành, các cấp. Tôi mạnh dạn kiến nghị Nhà nước ta có quyết định đại ân xá cho tất cả những Việt kiều đã có những tiền án nhỏ từ cách đây những 33 năm, để họ có thể yên tâm về thăm lại quê hương và góp phần xây dựng đất nước.
Sáu là, cần mở rộng dân chủ để mọi người có thể nói công khai các ý kiến khác nhau, chỉ cần đó là các ý kiến xây dựng và có luận cứ chính xác. Tránh tình trạng áp đặt duy ý chí và hạn chế sáng kiến của đông đảo nhân dân. Tính ưu việt của chế độ lấy dân làm gốc phải biểu hiện ở chỗ không để tình trạng xét xử oan sai còn phổ biến khiến cho dân chúng khiếu kiện kéo dài và dẫn đến mất lòng tin vào tính pháp quyền của Nhà nước. Trong khi an ninh quốc gia luôn được bảo đảm tốt đẹp thì an sinh xã hội vẫn còn chưa được đảm bảo. Các vị đại biểu quốc hội hãy thử đọc cuốn sách Trinh tiết xóm chùa của nữ nhà văn Đoàn Lê để hình dung xem bộ mặt của nhiều làng quê nước ta đã và đang bị biến dạng ra sao. Hãy chịu khó nhìn vào các cửa hàng Internet mở ra khắp các nơi để nhìn xem số đông con trẻ chúng ta hiện nay đang tìm kiếm thông tin văn hóa, khoa học hay là đang ngập đầu mê hoặc trong các trò game online hoặc đang tán tỉnh nhau, lừa phỉnh nhau ngay từ tuổi vị thành niên. Đấy là không kể đến không ít thanh thiếu niên đang mất hết tương lai vì dính vào ma túy và HIV. Nhẽ nào đó sẽ là thế hệ chủ nhân ông khi chúng ta dự định đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại đấy.
Ai sẽ giải quyết sáu bức xúc nói trên nếu không phải là cả hệ thống chính trị của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nông dân: "Chúng tôi lao đao" - Bộ trưởng: "Tôi không nghĩ vậy"!
Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng
"Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi.
Hàng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hy vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận.
Chỉ mong người tiêu dùng hàng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo". (Tuổi Trẻ, 19/5).
Bức thư đã được ông Lê Văn Lam (57 tuổi), nông dân ấp Tuyết Hồng, Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp, người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề nông, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ từ ngày 4/5.
"Người tiêu dùng" mà ông nhắc tới với những ngôn từ chân chất ruộng đồng chắn chắn có Thủ tướng ở đó.
Ông nông dân Lê Văn Lam còn chia sẻ: "Tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm".
Bức xúc ông kể tới là "việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các DN nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi. Nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ"...
Bộ trưởng: "Tôi không nghĩ vậy"
Trong bài đề cập đến "6 kiến nghị của nhân dân" mà GS. TS Nguyễn Lân Dũng đưa ra chính là một minh chứng của việc tiếng nói của nhà khoa học, đại biểu nhân dân là gặp tiếng nói của những người nông dân như ông Lam.
Sau khi lá thư được đăng tải trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã nói: "Hôm nay tôi sẽ đọc, chính xác hơn là nghiên cứu bức thư này".
Có lẽ vì chưa "nghiên cứu" nên khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo Đầu tư (21/5): "Là người đứng đầu ngành NN & PTNT, ông có cảm nhận rằng đời sống người nông dân đang đi xuống do lạm phát tăng cao?".
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: "Tôi không nghĩ vậy. Đời sống của đa số người dân tiếp tục được cải thiện, ngay cả đối với những người trồng lúa ở ĐB SCL. Một số điều tra gần đây nhất của chúng tôi cho thấy, mỗi hecta vụ lúa đông - xuân, trung bình người nông dân vẫn có lãi ít khoảng 15 triệu đồng. Còn đối với nông dân trồng cà phê, cao su..., tôi nhận thấy, thu nhập của họ ngày càng được cải thiện nhờ "được mùa, trúng giá".
Lời bình của độc giả Tuần Việt Nam
Hữu Minh, Khối phố 9 Nam Hà - Hà Tĩnh: "Đọc lời thư của người nông dân gửi cho thủ tướng tôi thật sự cảm động và thương cảm. Đúng vậy, người nông dân từ bao đời làm làm ruộng ai nói không vất vả, nhưng thu nhập thì rất thấp.
Chúng ta thử tính cùng nông dân xem trên số diện tích gia đình được sử dụng, khi thu hoạch trừ chi phí họ lãi được bao nhiêu.
Như ở miền trung quê tôi có địa phương bình quân mỗi người 3 sào là quỹ đất kha khá nếu thu hoạch một mùa 7 ta rưỡi tính với giá vật tư hiện nay chênh lệch được 2 tạ thóc tương đương 1.200 ngàn đồng trong một vụ. Đó là ngững vừng đất tốt , còn những vùng đất xấu thì chỉ hoà vốn hoặc lỗ, rồi còn bao nhiêu yếu tố tự nhiên khắc.
Còn nếu nói nghề phụ thì phần lớn không có, nếu xã nào đó có nghề phụ thì kiếm được mỗi ngày 10.000 đồng là khó lắm rồi. Vì vậy cần có chính sách đúng đắn đối với sự phát triển của nông nghiệp nông thôn và nông dân."
Nguyễn Văn Việt, Lơng sơn - Thái Nguyên: "Tôi rất đồng tình với 6 ý kiến của TS. Nguyễn Lân Dũng và rất không đồng tình với phát biểu của bộ trưởng Cao Đức Phát vì bộ trưởng chưa sát sao trong công việc nên mới có phát biểu như vậy.
Chỉ cần nói một vấn đề rất đơn giản ở đây đó là: Nếu với thu nhập bình quân của nông dân như hiện nay thì thật rất khó, hay nói thẳng ra là không thể nuôi một người con đi học Đại Học.
Nếu có nuôi được thì cũng nợ chồng nợ chất làng xóm, người thân, ngân hàng. Vì thế tỉ lệ con em nông dân không được tiếp tục học lên, hay không có điều kiện học lên ra tăng càng lớn nếu tình trạng lạm phát và mức thu nhập của người nông dân vẫn còn rất thấp so với giá cả thị trường như hiện nay.
Xã hội ngày nay tỉ lệ chênh lệch giàu nghèo gia tăng ngày càng lớn. Nhiều người có tiền có điều kiện lợi dụng trong lúc nhập nhèm này để trục lợi và càng giàu, còn nông dân càng chồng chất nhiều nỗi no không biết than an.
Tôi nghĩ chính phủ, thủ tướng, những đại biểu nên chăm lo và sát sao hơn nữa tới cuộc sống của nông dân."
Nguồn: Đọc báo trực tuyến
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét