Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008
Chứng khoán: Tồn tại hay không tồn tại?
http://tinchungkhoan24h.com/News/Phan-Tich-Danh-Gia/20006/
Với trên 48 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn HoSE và trên 17 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn HaSTC, Chứng khoán Việt Nam đang đứng trước lựa chọn không thể không có lời giải: Tồn tại hay không tồn tại?
Tất nhiên, trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn như hiện nay, vẫn có một luồng quan điểm cả chính thống và dư luận là: có thể "lựa chọn" hay "bảo vệ" lợi ích của 300.000 tài khoản chứng khoán, trước "nhiệm vụ" chăm lo cho 84 triệu công dân Việt Nam hay không?
Theo nhận định của chúng tôi, cách đặt vấn đề như trên vô cùng nguy hiểm. Vì, cách "suy diễn" trên đã "quên" mất hiệu ứng dây chuyền của "khủng hoảng mini", nếu chúng ta thẳng thắn thừa nhận, Chứng khoán đang khủng hoảng và khái niệm "khủng hoảng mini" nên hiểu là "khủng hoảng" một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.
Sự thật là Chứng khoán đã "khủng hoảng". Không thể nói là bình thường khi một thị trường luôn luôn đi xuống trong một thời gian dài và nguy hiểm hơn là cơ quan quản lý phải thừa nhận "thần dược" tức thời cho thị trường là không thể.
Vâng! có thể, số nhà đầu tư Chứng khoán đã không là 300.000 tài khoản theo hướng giảm đi, vì tình trạng thị trường sụp giảm kéo dài. Nhưng, chúng tôi nhận định, Chứng khoán sẽ ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Tại sao ư?
Ngoài hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân, còn có các nhà đầu tư tổ chức, như: tổ chức phát hành và niêm yết chứng khoán, công ty tài chính, công ty chứng khoán, ngân hàng...Đặc biệt đáng quan tâm là sự hình thành vội vã, được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi, của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là sự "khác biệt" quan trọng của thị trường Chứng khoán Việt Nam so với thị trường thời điểm 2005, khi mở "room" lên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đặc điểm về kinh tế - xã hội Việt Nam, cùng nhưng "kỳ vọng" quá lớn mà chính phủ đặt nên các tập đoàn kinh tế nhà nước. Có thể nói, các tập đoàn này được chính phủ "bảo lãnh" nên các tập đoàn ra sức "bành trướng", tiến hành đầu tư chéo. Cộng thêm vào đó là sự hình thành "nền kinh tế thân hữu" là sự cấu kết chặt chẽ của 1 bộ phận các quan chức - doanh nghiệp nhà nước có nhiều "ảnh hưởng" với các "đại gia" tư nhân, cũng như khát vọng kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước, "nền kinh tế thân hữu" và sự vươn lên kiểu trăm hoa đua nở của các tập đoàn kinh tế tư nhân, khiến "đòn bẩy" tài chính, công cụ Chứng khoán hoá, trở thành "chìa khoá" cho bài toán Vốn và sự "phình lên" một cách nhanh chóng.Nhưng nền tảng quản trị yếu kém, thiếu hành lang giám sát đủ mạnh cùng những "kỳ vọng" thái quá đã đẩy các "ông lớn" của nền kinh tế cùng các "vệ tinh" trước nguy cơ "nổ bong bóng".
Đằng sau "vực thẳm" giữa 2 thời điểm, thị trường Chứng khoán trên 1100 và thời điểm hiện nay, thị trường dưới 500 điểm, quả "bong bóng" Chứng khoán hoá đã nổ đến đâu? Không có cơ quan quản lý nào đưa ra được số liệu chính xác - đáng thuyết phục cộng đồng đầu tư. Nhưng chắc chắn rằng, những thành phần liên quan của "bong bóng" đang thấu hiểu: chụp giật phải trả giá như thế nào?
Ngoài tiền cứ giảm qua từng ngày về giá trị, nhưng đáng sợ hơn là những giấy tờ có giá như Chứng khoán đang ngày càng giảm tính thanh khoản.Thử hỏi, những người chủ của các giấy tờ có giá trên có tập trung được tâm trí vào cộng việc? Liệu năng suất lao động và tâm lý xã hội đã biến động xấu đến mức nào do Chứng khoán giảm giá?
Rất mong các nhà nghiên cứu vào cuộc cho những vấn đề "nóng bỏng" nói trên. Vì kinh nghiệm đối mặt với "khủng hoảng mini" của Việt Nam là vô cùng hạn chế, những nghiên cứu trên sẽ trở thành tài liệu tham khảo quan trọng để chính sách hay giải pháp chống "khủng hoảng mini" thực sự hiệu quả.
Vậy, chúng ta phải "lựa chọn" cái gì trong thời điểm "nhạy cảm" này để Chứng khoán "tồn tại" cũng với đó là nhiều thực thể của nền kinh tế phải "điều tiết" lại.
Theo chúng tôi, từ cơ quan quản lý, đến các thành phần tham gia thị trường và nhà đầu tư phải "chấp nhận": Những thông tin "không đẹp" về thị trường Chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam, cần được công khai hoá, với sự sát thực về thông tin. Có thể, một bộ phận sẽ "sốc" những "đau" để "đại phẫu" để lành mạnh, để lấy niềm tin của những người kinh doanh chân chính. Trách nhiệm công bố thông tin thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước và chính phủ cần chỉ định 1 "nguồn" chịu trách nhiệm.
Tiếp đó, quốc hội, cần yêu cầu chính phủ báo cáo về giai đoạn thử nghiệm 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, đồng thời ngừng thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước mới. Cần đưa các tập đoàn kinh tế nhà nước vào chương trình "giám sát đặc biệt" nhằm minh bạch hoá và loại bỏ vị trí "độc quyền" hay "vị thế thống lĩnh" của không chỉ các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Quốc hội cũng cần bổ sung nội dung thảo luận về thị trường Chứng khoán vào chương trình hoạt động của kỳ họp quốc hội này. Qua đó, xác định trách nhiệm điều hành thị trường của chính phủ, bộ tài chính, ngân hàng nhà nước, cũng như người đứng đầu 2 cơ quan nói trên, khi không "kiểm soát" được thị trường.Quốc hội cũng cần quyết định, mô hình uỷ ban Chứng khoán nhà nước thích hợp với tình hình mới, vì cơ quan này đang thiếu thực quyền, tác động không nhỏ đến lòng tin của cộng đồng đầu tư với cơ quan điều hành thị trường.
Chúng tôi cũng nhận định rằng: các nhà đầu tư, giới truyền thông không nên "kêu cứu" cơ quan quản lý. Vì thực tế, "cứu" là một hành động can thiệp thị trường đưa đến tâm lý ỉ lại vào nhà nước mà "cứu" trong giai đoạn vừa qua thế nào chúng ta đã rõ.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý, không ngoài tạo ra môi trường minh bạch cho thị trường hoạt động. Riêng trong trường hợp khủng hoảng, vai trò của các thành viên thị trường sẽ quyết định tất cả.Tại sao, trong tình cảnh hiện nay, không thấy các hiệp hội, các tổ chức phát hành - niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư "ngồi lại" với nhau cùng nâng đỡ thị trường. Vì các thiết chế này cũng không thể "khoẻ" nếu không nói là "nguy cập" nếu tình trạng hiện nay của thị trường tiếp diễn.
Mặt khác, chúng ta không nên nhắc đi nhắc lại giọng điệu: Chứng khoán đã rất hấp dẫn, hay về dài hạn triển vọng nền kinh tế Việt Nam là sáng sủa, hoặc lạm phát có dấu hiệu được "hãm phanh" để "khuyên" nhà đầu tư bình tĩnh, không bán tháo hoặc "khuyên" nhà đầu tư mua vào.Thông tin như vậy không giúp được nhiều cho thị trường mà càng khiến cộng đồng đầu tư thiếu tin tưởng, càng "lạnh lùng" với thị trường.
Nếu các thành viên thị trường không "chung sức" vì mình và vì thị trường. Nếu từng lĩnh vực của nền kinh tế không chủ động "tái cấu trúc" thì đừng nói đến tương lai.
Phạm Hùng Vỹ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét