Xin khuân vác các bài viết mà mình khoái về blog để tiện đọc lại
(blog cavenui)
Bác sĩ Lê Đình Phương ở Bệnh viện Việt Pháp, người trong FL của em (nick Nikonian) là người lên tiếng rất sớm trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị năm 2007 phê phán cách Bộ Y tế nói với dân về cái gọi là “dịch tiêu chảy cấp”, mà thực ra theo bác sĩ, là dịch tả. Năm nay khi dịch tả lại trở thành đề tài được bàn luận, Bộ Y tế lại nói chuyện với dân, thì bác sĩ lại post entry tiếp và gửi bài cho Sài Gòn Tiếp Thị tiếp.
Nhân thấy báo Lao Động có dẫn lời ông Trần Đáng (ảnh) nói về mắm tôm, em đã đặt 1 câu hỏi trong blog Nikonian như sau:
Báo Lao Động dẫn lời ông Trần Đáng xinh trai:
"...Mắm tôm lấy ở Thanh Hoá, Hà Nam, Nghệ Tĩnh, Ninh Bình, Nghệ An đều có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí (Cl.perfrigens, Cl.tetani), B.cereus, Staph.aureus, Coliform với mức độ 100 - 10.000 con/ml".
http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2008/4/83698.laodong
Bác sĩ giải thích giùm người ngoại đạo mấy con vi khuẩn đó là gì, và bình luận thông tin trên. Tks.
Bác sĩ Phương đã có 1 entry trả lời. Bác nào muốn đối thoại, chất vấn bác sĩ Phương thì vào thẳng blog bác sĩ để giao lưu.
http://blog.360.yahoo.com/blog-mDhTd.whc7Mga36KalO9JvJ_u9ZwbQ--?cq=1&p=321
Ai không có nhu cầu ấy nhưng có quan tâm đến câu chuyện dịch tả thì có thể đọc bài của Nikonian em cóp sang đây, để đỡ 1 lần kích chuột.
Dưới đây là bài của bác sĩ Phương-Nikonian:
Bạn hỏi thì phải nói, mệt cũng phải viết
Bạn hỏi thì phải trả lời, nhất là khi thông tin về dịch tả đang bị tung hỏa mù như hiện nay.
Điều may mắn cho tôi là tất cả những tranh luận (hoàn toàn không đáng có) về dịch tả - mắm tôm đã được một đồng nghiệp rất uyên bác của tôi, GS Nguyễn văn Tuấn, giải thích khá chu đáo trên www.ykhoanet.com, trang chuyên đề về dịch tả. Tuy nhiên, đây là website của giới y khoa, nặng về các thuật ngữ và khái niệm chuyên ngành, nên tôi mạn phép diễn dịch lại một cách đơn giản hơn để cho quí thân hữu không trong ngành y có thể tiếp cận được vấn đề. (Nôm na mách qué là sở trường của tui mà, he he!)
Trước nhất, ta cùng nhìn mối lương duyên gượng gạo mắm tôm-dịch tả mà BYT là chủ hôn dưới nhiều góc độ: Đặc tính lý hóa, vi trùng học, dịch tễ học.
1. Đặc tính lý hóa và vi trùng học:
Bệnh tả, khác với hội chứng tiêu chảy gấp gây ra do nhiều tác nhân, có 1 thủ phạm duy nhất là vi trùng Vibrio cholerae, phát triển trong môi trường nhiệt độ tối ưu là 37oC (dao động từ 10 đến 43oC), trong cả môi trường có không khí (“hiếu khí”) và không có không khí (“yếm khí”) nhưng tối ưu trong môi trường hiếu khí. Vi khuẩn tả phát triển mạnh trong môi trường nước với nồng độ muối tối ưu là 0,5% (dao động từ 0,1 đến 4%), và mức độ tăng trưởng cũng như số lượng vi khuẩn giảm đi rõ rệt và thấp nhất khi nồng độ muối trong nước vượt qua ngưỡng 3%. Một nghiên cứu khác cho thấy với nồng độ muối 0,25% (nồng độ tối ưu) thì vi khuẩn tả mới có thể sản sinh ra độc tố tả (9).
Mắm tôm có chứa nồng độ muối rất cao: dao động từ 13% đến 15% trong mắm tôm của Malaysia và 20-25% trong mắm tôm của Philippines. Mắm tôm Việt Nam, do qui trình sản xuất, thường có nồng độ muối khá cao: với mắm tôm lỏng chấm thịt chó, lòng lợn, tỷ lệ muối là 15%, sau khi xay cho vào chum (tức đã pha loãng), còn mắm tôm khô nồng độ muối khoảng 25-30%. Thêm nữa, môi trường của mắm tôm là yếm khí và khan nước. Do đó, mắm tôm là môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn tả cư trú và phát triển cũng như phát huy độc lực. Thật ra, có thể nói vi khuẩn tả cũng như các loại vi sinh vật khó tồn tại trong mắm tôm.
Do đó, các biện pháp sản xuất mắm (không riêng gì mắm tôm), do tính sát khuẩn rất cao từ một nồng độ muối đậm đặc, khó có thể bị hư hoại hay nhiễm khuẩn vì đã khắc chế được sự sinh sôi nẩy nở của các vi sinh vật chứa trong nó. Người nông dân VN đã vận dụng qui luật này để làm mắm, như một biện pháp bảo quản và tồn trữ thức ăn.
Một yếu tố có lợi về mặt vệ sinh nữa là vắt chanh vào mắm tôm đã pha loãng (đang chảy nước miếng khi viết đến đây ). Một thí nghiệm trên cá cho nhiễm vi khuẩn V. cholerae, sau khi cho tiếp xúc với chanh (một trái) trong vòng 5 phút, 99,9% số vi khuẩn bị tiêu diệt. Sau 2 giờ, không còn một vi khuẩn nào tồn tại. Mà dù đã pha loãng, nồng độ muối trong mắm tôm vẫn là 15% (tối thiểu), đủ để giết tất cả các vi trùng lỡ dại nhảy vào lọ mắm tôm. Cho mày chít nghe con!
Tóm lại, giả thiết vi trùng tả (cũng như các vi trùng khác), có thể tồn tại, sinh sôi nảy nở trong mắm tôm, không có cơ sở tối thiểu về vi trùng học.
2. Bằng chứng thực tế:
Mặc dù Bộ Y tế đã cất công truy lùng phẩy khuẩn tả trong nhiều mẫu mắm tôm, “em nó” vẫn chứng minh được tấm lòng trinh bạch của mình qua những thực nghiệm với kết quả vô cùng “phản động” trong đợt dịch 2007:
- 50 mẫu mắm tôm lấy ở nhiều nơi ở Hà nội, do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương kiểm nghiệm, đều âm tính với phẩy khuẩn tả.
- Ở SG, TTYT Dự phòng xét nghiệm 24 mẫu mắm tôm ngẫu nhiên, cũng cho kết quả âm tính.
Về mặt thống kê y học, chúng ta cần xét nghiệm bao nhiêu mẫu để có thể quan sát ít nhất 1 mẫu có kết quả dương tính? Các tính toán về xác suất thống kê cho thấy: chỉ cần 30 mẫu là đủ tính đại diện cho toàn bộ họ hàng mắm tôm (chứ không cần đến 74 mẫu như đã tiến hành)!
Vậy là đã rõ, mắm tôm lưu hành trong cộng đồng không hề chứa vi khuẩn tả.
3. Về mặt suy diễn (extrapolation)
Luận cứ của Bộ: vì có một tỷ lệ rất cao (80 -90%) người bị bệnh tả trước đó có ăn mắm tôm. Suy ra, mắm tôm là thủ phạm của bệnh tả. Đây là một luận cứ sai lầm về nhiều mặt:
- Mắm tôm chưa bao giờ được xem là thủ phạm của bệnh tả. Thủ phạm của bệnh là vi khuẩn V. cholerae. Họa chăng, mắm tôm có thể là trung gian truyền bệnh. Hay nói cách khác, việc ăn mắm tôm có thể là nguy cơ (risk) truyền bệnh chứ không phải là thủ phạm trực tiếp.
Xin nói thêm, việc phân biệt được giữa yếu tố nguy cơ (risk factor), nguyên nhân trực tiếp hay quan hệ nhân quả (cause-effect relation) là một trong những yêu cầu đào tạo bắt buộc và cơ bản của ngành y, nhất là khoa vệ sinh dịch tễ.
- Lập luận như trên, 100% (tỷ lệ cao hơn ăn mắm tôm à nghen) người bệnh tả có ăn cơm. Vậy ta có thể suy ra: cơm là nguyên nhân gây ra bệnh tả không? Tôi mà phán vậy, bị các chiến hữu rủa là đồ ngu, vuốt mặt không kịp cũng đáng!
- Một phản đề quan trọng khác là case dịch tả đầu tiên (và một số case khác), không hề ăn mắm tôm thịt chó. Đây là một logic đơn giản: Nếu anh bảo rằng tất cả các em gái trong lễ hội hoa đào vừa qua đều ngoan, thanh lịch, tôi chỉ cần tìm ra 1 em thôi, chỉ 1 em gái hư, không ngoan, bẻ hoa đào nhoay nhoáy…là tôi đã chứng minh anh sai. Dễ ợt!
4. Về độ tin cậy của các dữ kiện khoa học do Bộ Y tế công bố:
Như Báo Lao Động dẫn lời ông Trần Đáng xinh trai: “...Mắm tôm lấy ở Thanh Hoá, Hà Nam, Nghệ Tĩnh, Ninh Bình, Nghệ An đều có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí (Cl.perfrigens, Cl.tetani), B.cereus, Staph.aureus, Coliform với mức độ 100 - 10.000 con/ml". http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2008/4/83698.laodong
Đây là một luận điểm rất đáng ngờ. Vì trong đợt kiểm định trước, tất cả các mẫu đều âm tính, dù cho kiểm định ở HN, SG hay gởi ra nước ngoài (tốn kém không cần thiết). Tự dưng, lòi đâu ra một lô một lốc các tên vi trùng đọc nghe điếc cả tai. Cần chú ý: trong danh mục những vi trùng này, không có tên vi trùng tả. Tôi nên tin vào kết quả xét nghiệm nào đây, sau khi đã đọc phần (1)? Đừng xổ tiếng Latinh lòe em nhé, thưa bác Đáng! "Hoài nghi là cơ sở của khoa học", đúng không nào!
Ở đây, hình như có mùi na ná thằng đế quốc Mỹ trong chiến tranh Iraq. Muốn đổ tội cho mắm tôm, người ta đã tìm mọi cách truy tìm thiếu khách quan và trung thực như đã cố công truy tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Tìm không ra, thì việc đã rồi…
Một chi tiết khác làm cho tôi hoàn toàn nghi ngờ tính khách quan khoa học của BYT trong nhận định. Trong cái TV show hôm qua trên VTV2 (8.4.2008), để đổ tội cho thịt chó, một vị TS khả kính đã hùng hồn phát biểu na ná thế này: ngay cả nước rửa tay của người bán thịt chó cũng có vi khuẩn tả. Suy ra, thịt chó là nguồn lây bệnh (ặc ặc). Luận cứ này bị con trai tôi, chưa học chữ nào về ngành y, phản bác ngay, suýt nữa văng tục trước mặt thằng bố khốn khổ. Vì sao quí tử của tôi văng tục thì các thân hữu hiểu ngay rồi phải không?
Bình luận của Nikonian:
Thật ra, nhân loại đã hiểu rõ đường lây, thủ phạm của dịch tả từ cả trăm năm trước. Những bài học vệ sinh yếu lược mà một số thân hữu nêu ra trong comments đến nay vẫn đúng y bon, như hồi thi đệ thất, tôi tụng niệm cuốn “8 môn học yếu lược" vậy. Y học phân loại bệnh tả là “water-born disease” (chứ hổng phải là mamtom-born disease à nghen), và nó phát tán thành dịch tả qua đường nước uống, khi hội đủ một số điều kiện về dịch tễ sau đây:
1. - Có một số lớn người bệnh và người lành mang trùng tả trong cộng đồng
2. - Những người này, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, thải phân của mình một cách bừa bãi ra môi trường chung quanh
3. - Nguồn nước uống bị ô nhiễm trầm trọng và rộng khắp bởi vi trùng tả và được những người khác, qua việc uống nước này, nuốt vào bụng một số lượng lớn vi trùng. Nên nhớ, tính chất acid cao (pH=2) của dịch vị trong dạ dày đã giúp tiêu diệt khá lớn lượng vi trùng. Điều này giúp giải thích vì sao các bệnh đường ruột, trong đó có dịch tả thường phát tán vào mùa nắng nóng, khi người ta phải uống nước nhiều hơn.
Xét cả 3 điều kiện trên, dịch tả thường phát sinh ở những quốc gia chậm tiến, nghèo rớt mồng tơi, ở những nơi mà điều kiện sống vô cùng thấp kém như trại tị nạn, trại tù. Việc để dịch tả bùng ra ở thủ đô của một quốc gia là một điều tồi tệ, xấu hổ và “mất thành tích” ghê gớm. Nghĩ theo hướng này, chúng ta có thể hiểu được, “thông cảm” được vì sao BYT cứ khăng khăng tránh né từ “dịch tả” như thể sợ phạm húy các y tổ 3 đời vậy (?)
Mở ngoặc 1 cái về nước: cuối cùng, cái hồ Linh Quang ở HN cũng bị phát hiện là đầy nhóc vi trùng tả. Phát hiện này rất đúng sách vở kinh điển. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dịch tả không chỉ nổ ra ở những vùng cư dân cạnh hồ, mà đã lan tỏa khắp Hà nội, kể cả trong những nhà hàng khách sạn sang trọng. Dưới góc nhìn dịch tễ học, thủ phạm truyền bệnh vẫn là nguồn nước, nhưng rất có thể nguồn nước uống, chứ không phải chỉ mỗi một cái hồ ao tù nước đọng. Nguồn nước uống có thể bị ô nhiễm ngay từ nhà máy, hệ thống ống dẫn, mạch nước ngầm... Phải “truy sát “ theo hướng triệt để này, hơn là xuýt xoa" tự sướng" khi tóm được em hồ Linh Quang tội nghiệp, như thể chỉ mỗi mình em là can phạm. Mà đâu phải đến năm 2008, em nó mới bị vấy bẩn. Tôi đồ rằng, em Linh Quang này đã mất “gin” lâu rồi.
Nếu nghi ngờ nguồn nước uống tại chỗ của thủ đô ngàn năm bị nhiễm khuẩn tả, cũng giúp giải thích vì sao dịch tả không chịu Nam tiến sau gần nửa năm, mặc dù dân Nam kỳ cũng ăn mắm tôm, cũng uống trà đá ừng ực.
Hỏi ngu một tí: Nếu giả dụ, tóm được vi trùng tả từ một vòi nước trong một hộ dân ở HN, các chiến hữu có tin rằng BYT sẽ công bố kết quả này không?
Hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề mới giúp toàn dân chống dịch một cách minh bạch và triệt để được. Điều mà tôi bức xúc nhất ở đây là những qui luật về phòng chống dịch tả ở đây đã bị vi phạm, diễn dịch xuyên tạc một cách thô thiển theo kiểu nói lấy được.
Để chi, chỉ để bảo vệ những quan điểm cố chấp và ấu trĩ của một số quan chức. Ngoa ngôn, ngụy ngữ như thế, dân lành chết toi!
Tóm lại:
1. Dịch tả là một bệnh cụ thể, do vi trùng tả gây ra, lan truyền chủ yếu do nguồn nước. Tất cả các thực phẩm, thức uống dây nhiễm nguồn nước có chứa vi trùng tả đều có thể truyền bệnh.
Nguyên nhân của bệnh thì rất hẹp, khác với cả mấy chục nguyên nhân (học mệt nghỉ) của hội chứng tiêu chảy cấp. Nhưng đường lây thì rất rộng. Không cứ chỉ 6 loại thức ăn bị cấm chỉ đâu nhé
Quan đốc xinh trai của chúng ta đang làm điều ngược đời và trái khoáy: mở rộng nguyên nhân gây bệnh để tung hỏa mù che lấp bệnh tả. Trong khi đó, lại thu hẹp những loại thực phẩm có khả năng là trung gian truyền bệnh một cách có chủ đích để khỏi mất mặt sau scandale mắm tôm thịt chó.
Tôi, Nikonian tài hèn đức mọn, chỉ khuyên dăm điều nhỏ như con thỏ, thế này này:
- Ăn thức ăn nấu chín. Chỉ ăn rau sạch. Không tiếc của, ăn đồ ăn cũ, ôi thiu
-Uống nước đun sôi để nguội. (Đừng “uống sôi” như BYT khuyên, trừ phi muốn luộc chín bộ đồ lòng của bạn). Tránh xa cà rem, trà đá, café đá, hay các loại “nước tinh khiết” đóng chai đáng ngờ khác.
- Có thể tiểu ngoài đường , nhưng đừng đi tiêu bừa bãi
- Rửa tay sạch sau khi hoàn thành “đệ tứ khoái”
Vậy thôi! Viết mệt rồi, huyết áp lên vùn vụt vì bức xúc quá. Tự thưởng cho mình một chầu thịt chó đóng hộp và mắm tôm tiệt trùng cho nó lành
Cavenui:
Như vậy là trong giới bác sĩ VN có 2 quan điểm khác nhau về mắm tôm-dịch tả. Em không có kiến thức ngành y nên không thể “nói như đúng rồi” với các bác rằng quan điểm này là đúng, quan điểm nọ là sai (cũng như em không tham gia điều tra vụ PMU 18 thì không thể nói với các bác rằng ông Nguyễn Việt Tiến oan hay không oan), nhưng em có quyền tin người này hơn là người nọ.
Em thấy BS Phương tuổi đã cao (bằng chứng: đã học đệ thất, tức là dưới chế độ cũ, con trai bác sĩ đủ lớn để biết chửi thề khi thấy 1 ông tiến sĩ bi bô trên ti vi) mà lập luận có lý, lên xuống nhịp nhàng, tranh biện vừa đanh thép vừa cười đùa, tỏ ra là có phong độ, hay nói như ca sĩ Phương Thanh chị em, là rất là “xung”.
Còn BS Trần Đáng tuy nhìn mặt cũng xinh giai (ảnh) nhưng trông cứ chã chã thế nào.
Nên em tin BS Phương hơn, một niềm tin rất gái. Các gái khác em không ép. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo anh em, tin thì tin ứ tin thì thôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét