Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Nhân Điện Biên nhắc lại uy tín tướng Giáp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy
Gửi bài cho BBC từ Paris



Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đối với người phương Tây, Võ Nguyên Giáp có lẽ là một hiện tượng đặc biệt trong quân sự thế giới. Ông là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.

Người ta nhắc đến ông không phải vì ông là đồng minh của các lực lượng quân sự phương Tây mà là người đã đánh bại hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới vào thời điểm ông là người chỉ huy quân sự.

Một vinh hạnh không kém là ông được sự quí trọng của hai vị tướng tài ba của quân đội Pháp và Mỹ, đối thủ của ông. Đó là Raoul Salan, tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương 1951-1953, và William Westmoreland, người chỉ quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 1968 đến 1972.

Nhìn từ sử sách

Không biết đã có bao nhiêu sách báo và tài liệu quân sự viết về Võ Nguyên Giáp, hay chính ông viết ra và được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài, phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện.

Những sách viết về Võ Nguyên Giáp, được xuất bản tại Pháp, phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có liên quan đến phong trào cộng sản.

Tướng Giáp tỏ ra có một tài năng vĩ đại trong việc nhìn nhận mặt mạnh nhất của kẻ thù để khai thác nó như mặt yếu nhất
Jonn Colvin trong cuốn 'Giap Volcano under Snow'


Những tác giả này đã hết lời ca ngợi Võ Nguyên Giáp và so sánh ông với những thiên tài quân sự nổi tiếng trên thế giới như với Thomas Edward Lawrence, được biết nhiều dưới tên Lawrence d'Arabie, người đã chinh phục cả lục địa phía đông châu Phi, hay với Ernesto Che Guevara, nhà cách mạng cộng sản Trung Mỹ rất được giới trẻ thiên tả châu Âu ngưỡng mộ.

Nhiều người còn ví thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp với Karl von Clausewitz, nhà chiến lược quân sự người Phổ đầu thế kỷ 19.

Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan" đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ (1954) và gây khó khăn cho quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong suốt thời kỳ 1964-1972, tức thời điểm quân đội Hoa Kỳ có mặt đông đảo nhất tại miền Nam Việt Nam.

Đường tới Điện Biên

Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, các sử gia Pháp thường xuyên nhắc nhở đến Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1946, khi quân Pháp vừa trở lại Việt Nam và đã có những cuộc gặp gỡ với ban tham mưu của Hồ Chí Minh. Tất cả đều lấy làm tiếc cuộc thương lượng với phe Việt Minh, do đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo, khiến đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt tại Đông Dương từ 1946 đến 1954. Thật ra lúc đó chính quyền thuộc địa Pháp không đánh giá cao khả năng quân sự của phe Việt Minh thời đó.

Vào thời điểm 1946, lực lượng quân sự của phe Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có khoảng 40 chi đội với trên dưới 50.000 dân quân du kích, thiếu trang bị và huấn luyện. Phải chờ đến 1949, phe Việt Minh mới có được bốn đại đội bộ binh được trang bị súng máy và súng cối. Lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ được trang bị dồi dào từ sau 1950, khi phe cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đánh bại phe Quốc Dân Đảng, do Tưởng Giới Thạch cầm đầu, và chiếm Hoa lục.

Chiến thắng Điện Biên ngày 7.05.1954 đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương

Kể từ sau 1949, khi phe Việt Minh bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho quân đội viễn chinh Pháp trên Đường số 4 và khu Việt Bắc, tên tuổi Võ Nguyên Giáp mới được nhắc nhở đến nhiều. Những vị tướng tài ba của Pháp như Revers, Navarre với những lực lượng quân sự chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ như Lực lượng Viễn chinh, Lê Dương, Nhảy Dù... (Corps Expéditionnaire, Légion Étrangère, Bataillons Étrangers Parachutistes) đã không ngăn chặn được sự bành trướng của những người lính nông dân do Võ Nguyên Giáp cầm đầu.

Sau này giới quân sự Pháp thường nhắc nhở tới những mưu chước dụ dỗ quân đội của Võ Nguyên Giáp vào bẫy để tiêu diệt như tại Đông Khê, Đường số 4, nhưng không được. Ngược lại, chính quân đội Pháp chịu nhiều thiệt hại và đã phải rút lui khỏi các địa điểm chiến lược trên vùng Trung Du.

Trước sự lớn mạnh của phe Việt Minh, giới quân sự Pháp quyết định mở ra một địa bàn chiến lược khác tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ để dụ quân Việt Minh vào tròng để tiêu diệt. Ý đồ này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ. Cũng nên biết vào thời điểm này phe Việt Minh đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung và Nam Lào, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào. Với nhận định như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương dồn nỗ lực củng cố địa bàn Điện Biên Phủ.

Tại đây, với hỏa lực sẵn có quân Pháp có thể làm chủ được trên không và tiếp tế bằng đường bộ. Cũng nên biết khu lòng chảo Điện Biên Phủ nằm sát biên giới Lào với nhiều đồi núi thấp, do đó dễ quan sát một vùng rộng lớn chung quanh. Quân đội Pháp đã xây dựng tại đây một hệ thống địa hào chằng chịt và kiên cố có thể cầm cự với quân Việt Minh trong một thời gian dài khi bị bao vây. Nói chung, giới quân sự Pháp rất tin tưởng vào sự phòng thủ chiến lược của Điện Biên Phủ, họ hy vọng có thể tiêu diệt quân Việt Minh dễ dàng khi bị tấn công.
Cựu binh Pháp trở lại Điện Biên trong một buổi lễ nhắc lại cuộc chiến năm xưa

Nhưng ước muốn là một chuyện thực hiện được hay không là chuyện khác. Sau này giới quân sự và chiến lược gia Pháp đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, tên của Võ Nguyên Giáp cũng được nhắc tới như một đối thủ nguy hiểm, cần triệt hạ. Tác giả những bài viết này đều không ngờ khả năng điều động lực lượng dân công của Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ.

Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có sáng kiến tháo gỡ từng bộ phận rời của những khẩu đại bác và súng ống hạng nặng và sử dụng một lực lượng dân công hùng hậu để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, băng suối, băng núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp. Điều này vượt ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự Pháp, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục.

Cuộc bao vây đã chỉ kéo dài trong ba tháng, từ 13-3 đến 7-5-1954. Quân đội Pháp cùng với bộ chỉ huy tiền phương tại Điện Biên Phủ, do đại tá de Castries cầm đầu, đã đầu hàng vô điều kiện. Võ Nguyên Giáp đã được dư luận Pháp nhìn nhận như người đã đánh bại quân đội Pháp tại Đông Dương.

Không trách Việt Minh

Điều không ngờ là người Pháp chấp nhận sự thất trận này một cách vui vẻ, họ không thù oán gì quân đội Việt Minh mà chỉ trách móc các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự của họ đã không sáng suốt. Riêng các tướng Salan, de Castries và rất nhiều tướng tá khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Võ Nguyên Giáp. Đây là một trường hợp hi hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng nghiệp Pháp.

Họ kính nể quyết tâm và khả năng huy động sức người trong trận Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Nếu Võ Nguyên Giáp là một người sinh trưởng tại các quốc gia phương Tây thì ông đã đón nhận tất cả những vinh hạng của một vị anh hùng, một vị tướng tài ba. Rất tiếc ông là người Việt Nam, và hơn nữa là một đảng viên cộng sản, nên tất cả những vinh dự này đã không được thể hiện đúng mức.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đã nghỉ hưu đôi khi có những phát biểu ôn hòa về các vấn đề của Việt Nam

Sau sự thất trận này, dư luận Pháp đã không thù oán gì Việt Nam mà ngược lại vẫn còn giữ rất nhiều cảm tình với dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam, lý do là vì con người và đất nước Việt Nam rất hiếu khách và không oán thù người đô hộ sau khi chiến tranh chấm dứt.

Người Pháp có lý do để đề cao yếu tố này, vì trong suốt thời gian chiến tranh, từ 1946 đến tháng 7-1954, không một phụ nữ hay trẻ em người Pháp nào bị bắt làm con tin hay bị sát hại để trả thù báo oán. Đây chính là điều mà dư luận Pháp nói riêng và phương Tây nói chung quí mến dân tộc Việt Nam. Trong chiến tranh thì chém giết nhau không nương tay, nhưng chỉ với những người trực tiếp cầm súng, khi hết chiến tranh thì có thể trở thành bạn bè một cách dễ dàng.

Chính vì thế mà tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù không tốt nghiệp từ một trường sĩ quan quân sự nào và bị trù dập ngay trong nội bộ đảng cộng sản, luôn luôn được dư luận phương Tây nhắc nhở đến với tất cả sự mến phục và kính phục.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu lịch sử và hoạt động chính trị tại Paris, Pháp.

--------------------------------------------------------------------

Những tác phẩm do Võ Nguyên Giáp viết và các sách về ông:
- T. Derbent, Vo Nguyen Giap, Giáp et Clausewitz : Suivi de Contribution à l'histoire de Dien Bien Phu et de Préface au livre du général Giap : Guerre du Peuple, armée du peuple, (Livre de Poche, paruis, 2006)
- Vo Nguyen Giap, Military Art of People'sWar, Broché, Paris, 1971.
- Vo Nguyen Giap, Mémoires 1946-1954 : Tome I, La Résistance encerclée, Ed. Broché, Paris, 2003.
- Vo Nguyen Giap, Mémoires 1946-1954 : Tome II, La Chemin menant à ien Bien Phu, Ed. Broché, Paris, 2003.
- Vo Nguyen Giap, Mémoires 1946-1954 : Tome III, Dien Bien Phu, Le rendez-vous de l'histoire, Ed Broché, Paris, 2004.
- Cécil B. Currey, Vo Nguyen Giap, Vietnam 1940-1975 : La Victoire à tout prix, Broché, Paris, 2003.
- Vo Nguyen Giap, Guerre du Peuple, Armée du Peuple, Expérience du peuple vietnamien dans la lutte armée, 1961.
- W. Westmoreland, Vo Nguyen Giap.
Những sách gián tiếp viết về Võ Nguyên Giáp phần lớn là những sách kể lại cuộc chiến Đông Dương 1946-1954, hay trận Điện Biên Phủ, rất nhiều (tìm trên mạng : Indochine, Dien Bien Phu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét